Kim Cương Phủ Màu Có Đặc Điểm Quang Phổ Của Kim Cương Hồng Tự Nhiên (Bản tin tháng 07/2012)

Hình 9: Viên kim cương 1,05 ct này ban đầu có vẻ ngoài là màu hồng-nâu nhạt nhưng đây là màu phủ. Sau đó lớp phủ bị loại bỏ bằng acid đun sôi và kim cương được phân cấp màu lại là J (phải). Ảnh chụp bởi Jian Xin (Jae) Liao.

Kim cương phủ màu được bắt gặp khá thường xuyên ở cả trên thị trường mua bán và trong phòng giám định. Hầu hết các lớp phủ ở dạng màng mỏng phủ trên một hoặc nhiều giác ở phần đáy, cũng thường thấy phủ trên phần gờ hoặc gần gờ, tuy nhiên cũng có vài trường hợp lớp phủ được phủ hoàn toàn trên bề mặt kim cương. Do kim cương màu hồng tự nhiên rất có giá trị nên màu hồng thường được chọn để phủ lên kim cương, những viên được dự tính làm cho đậm màu thêm hoặc tạo lớp phủ trên những viên có màu không được ưa thích (xem trong phần Lab Notes, Winter 2010, trang 299 – 300). Phương pháp xử lý này có thể nhận diện bằng sự quan sát dưới kính hiển vi và đặc điểm hấp thu dưới phổ cực tím trong vùng nhìn thấy được (UV-Vis). Trong trường hợp của viên kim cương phủ màu hồng này có dãy hấp thu rộng đặc trưng tại ~520 nm (xem bài viết của A. H. Shen và nhóm nghiên cứu, “Đặc điểm của kim cương phủ màu: Nhận diện và độ bền”, Spring 2007 G&G, trang 16 – 34, http://dx.doi.org/10.5741/GEMS.43.1.16), vạch này dễ phân biệt với dãy hấp thu ~550 nm trong đá có màu tự nhiên.

Hình 10: Dãy phổ hấp thu ~550 nm của viên kim cương phủ màu giống với đặc điểm phổ của kim cương màu hồng tự nhiên. Cả hai đường phổ này đều được ghi nhận tại nhiệt độ nitrogen hóa lỏng.

Gần đây có một viên kim cương hình trái tim nặng 1,05 ct, trong hình 9 được đưa đến phòng giám định để phân cấp màu và lúc ban đầu nó được phân cấp là màu hồng-nâu nhạt. Phổ cực tím trong vùng nhìn thấy thu được dãy phổ hấp thu rộng ở ~550 nm (hình 10), đây là đặc trưng của kim cương màu hồng tự nhiên. Tuy nhiên dưới kính phóng đại thấy rõ lớp phủ ở các giác đáy (hình 11). Sau đó lớp phủ được loại bỏ bằng cách đun sôi viên đá trong acid và cấp màu được xác định lại là màu J (hình 9, phải).

Hình 11: Lớp phủ màu hồng ở các giác đáy của viên kim cương được nhìn thấy rõ dưới độ phóng đại (40 lần). Ảnh chụp bởi Jason Darley.

Do thông thường thì dãy phổ hấp thu đặc trưng của lớp phủ màu hồng dao động từ 520 đến 550 nm, cho nên nếu chỉ dựa vào phổ kế thì sẽ không thể phát hiện được lớp phủ này. Trong việc giám định đá quý thì biện pháp cải thiện màu này chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến quá trình quan sát thông thường ban đầu bằng mắt nhưng khi kiểm tra qua các thiết bị giám định khác (kính hiển vi, phổ kế,…) thì dễ dàng phát hiện ra lớp phủ trên kim cương. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Sally Chan trong Lab Notes, quyển G&G Fall 2011)