Ruby mới ở miền trung Tanzania (Bản tin tháng 1&2/2009)


Hình 8: Các viên ruby này (2,2 - 3,6 ct) không bị xử lý, xuất xứ từ một địa phương mới ở Tanzania gọi là Winza, gần thành phố Mpwapwa. Hình của H. A. Hänni, SSEF. 

Tại hội chợ nữ trang BaselWorld tại Thụy Sĩ vào tháng tư vừa rồi, SSEF nhận được một một số viên ruby đẹp (hình 8) có các đặc tính bất thường, chúng đã được gởi đến từ những nhà kinh doanh khác nhau. Tất cả chúng có màu đỏ khá bão hòa và đặc điểm bên trong cho thấy chúng chưa qua xử lý nhiệt. Viên lớn nhất nặng 10,75 ct (hình 33). Phân tích EDXRF tất cả cho thấy Cr và Fe là những nguyên tố vết chính yếu, còn Ga thì thấp và Ti, V thì dưới giới hạn phát hiện. Khách hàng khẳng định viên đá xuất xứ ở Tanzania và mong rằng sẽ thấy được tên nguồn gốc trong giấy giám định. 

Hình 9: Viên ruby 10,75 ct này là từ Winza không có khe nứt và không bị xử lý. Đá của công ty Gemburi ở Chanthaburi, Thái Lan. Hình của H. A. Hänni, SSEF. 

Hình 10: Các tinh thể ruby này từ Winza, có dạng hình lăng trụ và mặt thoi. Một số viên chứa các đốm màu xanh trong các đới theo cấu trúc tinh thể. Viên lớn nhất nặng 17,6 g và dài 25 mm.  Hình của H. A. Hänni, SSEF. 

Chúng tôi nhớ lại là đã từng xem qua một gói nhỏ chứa các đá corundum thô từ một mỏ mới ở Tanzania, do nhà buôn ở Đông Phi Châu tên Werner Spaltenstein gởi trong tháng 1-2008. Theo ông, chúng xuất xứ từ làng Winza, gần Mpwapwa, cách Dodoma 85 km về phía đông-đông nam. Các tinh thể và các mảnh đá thô có hình dạng và các mặt tinh thể khác nhau, đặc biệt nhất là một biến thể giống hình bát diện của hình mặt thoi. Giống như các tinh thể đã được mô tả bởi Hänni và Scmetzer (1991), các mặt hình tam giác của các mẫu ở Winza có các sọc mảnh thấy dưới phóng đại, đó là do sự hiện ra bề mặt của hợp tinh dạng lá. 

Hình 11: Các kim uốn cong như đã thấy trong một viên đá  ruby thô ở Winza (trái, phóng đại 30x), thì cũng hiện diện trong viên ruby mài giác 10,75 ct đã được khảo sát tại BaselWorld, chúng có vẻ là đặc điểm tiêu biểu của đá ở địa phương này. Khe nứt lấp đầy ở hình phải (phóng đại 20x) chứa các bao thể nhiều pha, cũng thường thấy trong các đá ruby thô Winza và các viên mài giác trưng bày ở BaselWorld.  Hình của H. A. Hänni, SSEF. 

So sánh vật liệu ở Winza với những đá mài giác nêu trên cho thấy chúng có thành phần hóa học giống nhau và có một số bao thể giống nhau. Chúng gồm các sợi cong là các kênh rỗng chứa vật chất đa tinh thể (có lẽ là những khoáng vật thứ sinh, hình 11, trái), cũng như các khe nứt lấp đầy chứa các hốc tự hình có chất lấp đầy đa kết tinh dạng hạt màu trắng và đen (hình 11, phải). Do đó, chúng tôi kết luận là các đá ruby ở hội chợ BaselWorld thì có nguồn gốc ở Winza, Tanzania. 

Các viên mài giác mà chúng tôi đã thấy có thể cho rằng mỏ đá ruby mới ở Tanzania này có tiềm năng chứa những đá ruby chất lượng cao mà không cần phải xử lý cải thiện. Tuy nhiên, cũng như tất cả mỏ ruby khác, một lượng lớn đá chất lượng thấp hơn ở mỏ mới này cũng sẽ cần được xử lý nhiệt với flux để làm mất đi các đốm màu xanh và che lấp các khe nứt. (Theo Henry A. Hänni, GemNews Hè 2008)