Ngọc trai nuôi song sinh hai màu (Bản tin tháng 1&2/2009)


Hình 6: Viên ngọc trai nuôi nước ngọt hai màu này (15 x 8 x 6 mm) là do mọc xen của 2 viên ngọc, chúng lớn lên từ hai mẫu mô lấy từ 2 nơi khác nhau ở lớp choàng của con trai cho mô. Viên ngọc được đặt trên vỏ của con Hyriopsis cumingii, thường được dùng làm nguồn cung cấp mô cho việc nuôi ngọc trai nước ngọt ở Trung Quốc. Bề mặt vỏ cho thấy các màu xà cừ khác nhau đó là do chúng đã được tạo ra từ các mô lớp choàng.  Hình của H. A. Hänni, SSEF. 

Phòng lab SSEF cho biết có sự gia tăng giám định lượng ngọc trai tự nhiên. Hầu hết đều cho thấy đặc điểm tiêu biểu của ngọc nước mặn tự nhiên: cấu trúc tia X tiêu biểu và nguyên tố vết không có Mn. Việc xác định ngọc trai tự nhiên nước ngọt thì khó hơn là do chúng cơ bản không có nhân, do đó hình dạng và cấu trúc tăng trưởng thường được dùng làm bằng chứng giám định. Phổ LA-ICP-MS vẫn chưa là kỹ thuật phổ biến vì còn đang nghiên cứu và lập mẫu hóa. 

Tháng 2-2008, chúng tôi nhận giám định một viên ngọc trai 5,61 ct “song sinh” (2 viên ngọc mọc xen). Không giống như hầu hết ngọc trai vì 2 phần mọc xen này có màu khác nhau (hình 6). Cũng có một phần bên hông bị bể ra, đó có thể là nơi mà viên thứ ba dính vào 2 viên này. Chụp hình tia X theo phương thẳng góc (hình 7) cho thấy có bằng chứng là ngọc nuôi không nhân, có 2 hốc ở giữa có dạng đặc trưng. Phân tích hàm lượng Mn (bằng đo phổ EDXRF) cho kết quả là ngọc trai nước ngọt. Chúng tôi kết luận đây là ngọc nuôi nước ngọt không nhân như đã được sản xuất ở Trung Quốc. 

Hình 7: Hình tia X của viên ngọc song sinh cho thấy đặc điểm tiêu biểu của ngọc nuôi không nhân, đặc biệt  là các hốc ở tâm có hình dạng phức tạp đặc trưng. Hình của H. A. Hänni, SSEF.

Các nhà nuôi ngọc Trung Quốc thường nuôi ngọc trai nước ngọt bằng cách cấy nhiều mẫu mô lớp choàng vào các dãy nằm sát nhau bên trong lớp choàng của con trai tạo ngọc. Màu sắc của ngọc trai liên quan trực tiếp đến vị trí ban đầu của mô lớp choàng cắt ra từ con nhuyễn thể cho mô. Viên ngọc song sinh này có hai màu có thể là do hai mẫu mô đã được cắt ra ở hai vị trí khác nhau, sau đó chúng đã được đặt cạnh nhau. Hai viên ngọc dính vào nhau có thể là do chúng nằm quá gần nhau hoặc thời gian nuôi quá lâu.  (Theo Henry A. Hänni, GemNews Hè 2008)