Hai viên Ruby nhân tạo lý thú (Bản tin tháng 03/2009)

(Bài viết của tác giả Garan Choudhary  – biên tập Đỗ Tường Huy) 

Hầu hết Ruby và Sapphire nhân tạo được tổng hợp bằng phương pháp Verneuil (phương pháp nóng chảy), phương pháp nhiệt dịch hoặc phương pháp thủy nhiệt. Trong đó tổng hợp bằng phương pháp Verneuil là thông dụng nhất do chi phí thấp. Các sản phẩm tổng hợp bằng phương pháp này có thể dễ dàng nhận biết dựa vào các đặc điểm bên trong như các bọt khí với rất nhiều hình dạng và kiểu khác nhau, các đặc điểm tăng trưởng cong (các sọc và đới màu) và sọc Plato. 

Tuy nhiên, một vài viên Ruby và Sapphire tổng hợp theo phương pháp Verneuil có đặc điểm bao thể gần giống với đá tự nhiên. Gần đây, Phòng giám định đá quý Jaipur, Ấn Độ, gặp được 2 viên Ruby tổng hợp rất thú vị bởi vì vẻ bên ngoài tự nhiên của chúng. Các viên Ruby này màu đỏ hồng, hình oval giác cắt hỗn hợp, nặng 3,50ct và 2,97ct (Hình 1). Dựa trên các quan sát ban đầu, cả 2 viên đều là Ruby với các chỉ số RI và SG phù hợp. 

Hình 1: Các viên Ruby nhân tạo nặng 3,50ct (trái) và 2,97ct (phải) nhìn giống tự nhiên với các đặc điểm lý thú. Chú ý mặt cong rõ ở giữa viên nặng 3,50ct chia viên đá làm 2 phần, trong khi viên 2,79ct có mặt nứt lộ ra bề mặt và đới trắng đục. Hình của G. Choudhary. 

Khi quan sát kỹ lưỡng mẫu nặng 3,50ct dưới độ phóng đại thấp, nó có vẻ chia làm 2 phần, một phần trong mờ và một phần trong suốt (Hình 2). 

Hình 2: Phần trong suốt của viên đá nặng 3,50ct lộ ra đám mây bọt lấm chấm (pinpoint cloud) có dạng tỏa ra được bao quanh bởi một đới hình vòng cung cho thấy chắc chắn đây là Ruby nhân tạo. Hình của G.Choudhary, độ phóng đại 10X. 

Hai phần này tách bạch rõ ràng bởi mặt cong băng ngang qua viên đá. Phần trong suốt lộ ra mây ‘pinpoint’ mịn dạng tỏa tia, hơn thế nữa mây này được bao quanh bởi một đới tròn xung quanh. Đới tròn này có thể thấy được dưới mắt thường và mẫu này được xác định là đá tổng hợp theo phương pháp nóng chảy. Phần trong mờ chứa các bao thể dạng kéo dài và dạng cầu tập trung dày đặc (Hình 3 & 4). Khi xem dưới một hướng nào đó, các bao thể này thấy như tập trung tại các mặt song song và cắt nhau một góc 60o/120o (Hình 3). 

Hình 3: Phần của viên Ruby tổng hợp nặng 3,50ct chứa nhiều bao thể nằm ở các mặt giao cắt nhau với góc 60o/120o. Trong hình bên trái không thấy có các mặt ghép hoặc các bọt khí còn sót lại giữa phần trong suốt và phần bán trong, nên loại trừ trường hợp đá ghép. Hình của G.Choudhary, độ phóng đại 30X (trái) và 60X (phải). 

Sự giao cắt của các mặt này tạo nên dạng hình thoi rất giống dạng giao cắt của các mặt song tinh hình thoi trong corundum tự nhiên. Có thể cho rằng các đặc điểm này hình thành dọc theo các mặt tinh thể hình thoi do sự xáo trộn trong quá trình tăng trưởng. Phần trong mờ cũng chứa một vài bao thể rất nhỏ màu xanh (Hình 4) mà chúng đã được đề cập trước đây trong các đá Ruby và Sapphire tổng hợp theo phương pháp Verneuil. 

Hình 4: Các bao thể dạng cầu và dạng kéo dài trong viên Ruby tổng hợp nặng 3,50ct không sắp xếp ở các mặt giao cắt. Chú ý các pinpoint màu xanh nằm rải rác. Hình của G.Choudhary, độ phóng đại 80X. 

Thực ra 2 phần của mẫu đều thể hiện các đặc điểm bao thể khác biệt cho thấy dường như đây là viên đá ghép, nhưng có thể loại trừ điều này dựa vào sự vắng mặt của mặt ghép hoặc các bọt khí bị dẹt còn sót lại (xem lại Hình 2 & 3). 

Mẫu nặng 2,97ct quan sát được các nứt lộ ra trên bề mặt có các vệt màu cam thấy được bằng mắt thường và cũng có một đới trắng sữa ở về phía còn lại của viên đá. Các đặc điểm này rất thường có trong Ruby tự nhiên như các vệt sắt hoặc các đới trắng sữa trong đó có các đĩa hay dải rutile. Khi phóng lớn, vết nứt lộ ra trên mặt có mảng màu cam khác biệt rõ có dạng dòng chảy là dấu hiệu của việc tẩm một chất tạo màu nào đó (Hình 5). Phần trắng sữa có cạnh cong được tạo nên từ các bọt khí nhỏ (Hình 6), điều này chứng tỏ đây là Ruby nhân tạo. Thêm vào đó các sọc tăng trưởng cong mịn và các bọt khí dạng kéo dài và dạng cầu phân bố rải rác cho thấy đây là phương pháp tổng hợp Verneuil. Thông thường, vật liệu dùng để lấp đầy các khe nứt trong đá quý là không màu hoặc có màu trùng với màu của bản thân viên đá. Đối với mẫu này, vật liệu có màu khác đã được sử dụng và đây là bằng chứng rõ ràng chúng đã được lấp đầy. 

Hình 5: Nứt ra đến bề mặt của viên nặng 2,97ct chứa một vệt màu cam dạng dòng chảy cho thấy có tẩm một chất có màu. Hình của G.Choudhary (80X).

Hình 6: Chú ý các sọc tăng trưởng cong là đặc điểm của phương pháp nóng chảy, cũng như đới cong màu trắng sữa. Hình của G.Choudhary (80X).