Giải thưởng, Triển lãm đá quý và khoáng vật (Bản tin tháng 06/2008)

Giải thưởng Gemmys 2008

Hai tạp chí Jewelry ArtistColored Stone đã công bố người thắng giải cuộc thi Gemmys 2008, đây là cuộc thi quốc tế chuyên về chế tác đá quý hàng năm lần thứ tư. Có 5 thể loại dự thi chính: đá quý mài giác, đá quý mài cabochon, đá quý cắt mài đặc biệt, vật chế tác từ đá quý và nghệ nhân triển vọng. Đánh giá sản phẩm dựa vào các tiêu chuẩn như thiết kế, vẻ hấp dẫn và ấn tượng, vật liệu ban đầu và cách chế tác. Các vị giám khảo gồm nhà cung cấp đá quý Judith Whitehead, nhà chạm trỗ đá quý Charles Ellias và nhiếp ảnh gia đá quý nữ trang Sky Hall.

Giải đặc biệt Sản Phẩm Đẹp Nhất và giải nhất thể loại Đá Quý Cắt Mài Đặc Biệt

Hình 1: Tác phẩm Kính Vạn Hoa chiếm giải đặc biệt Sản Phẩm Đẹp Nhất và cũng chiếm giải nhất thể loại Đá Quý Cắt Mài Đặc Biệt. Hình của Gemfix.


Tên tác phẩm: Kính Vạn Hoa

Nghệ nhân: Andrew Gulij, công ty Gemfix

Vật liệu và sản phẩm: Sản phẩm có kích thước 20mm x 16mm, nặng 33,04 ct (carat). Gồm các đá quý thạch anh vàng, lapis lazuli (đá đục màu xanh đậm), san hô đỏ và turquoise (đá đục màu xanh da trời).

Cách chế tác: Tác giả đã tạo nên một viên đá có dáng vẻ giống như tên sản phẩm, khi ta nhìn vào đá thấy như đang nhìn vào kính vạn hoa. Viên thạch anh vàng được cắt mài thành hình lục giác, có gờ khoét lõm, mặt bàn hình lục giác, các giác ở phần trên và phần đáy đều là hình tam giác. Đặc biệt, ở phần đáy viên thạch anh vàng, tác giả đã khoan và nhét vào các viên đá hình trụ nhỏ như lapis màu xanh tím, turquoise màu xanh da trời và san hô đỏ. Những viên đá nhỏ này được phản chiếu tạo nên hình vạn hoa.


Giải nhì thể loại Đá Quý Cắt Mài Đặc Biệt 

Hình 2: Tác phẩm Vành Đồng Tâm đoạt giải nhì thể loại Đá Quý Cắt Mài Đặc Biệt. Hình của Jim Morgan.


Tên tác phẩm: Khiên Nhiều Lớp

Nghệ nhân: Timothy Lee Reed  

Vật liệu và sản phẩm: Sản phẩm hình đa giác nhiều cạnh, nhìn giống hình tròn, đường kính 40,5mm và dày 8mm, nặng 108,15 ct. Vật liệu gồm variscite (đục,  màu lục phớt vàng, phớt xanh), lapis lazuli (đục, màu xanh đậm), thạch anh không màu, sugilite (đục, màu tím), sợi quang vàng, sợi quang xanh, jasper đỏ, thủy tinh núi lửa màu vàng kim, howlite (đục, trắng xám) và đá mắt cọp màu vàng nâu.

Cách chế tác: Thoạt nhìn, ta khó có thể nghĩ là sản phẩm đã được làm bằng đá quý. Tác giả đã bỏ rất nhiều công sức khi chế tác nó. Sử dụng quá nhiều loại đá quý và vật liệu nhân tạo trong một sản phẩm là điều rất khó, tác giả đã mài chúng thành những mẫu tam giác nhỏ và những hình nhỏ khác, rồi ghép lại một cách tài tình với sự phân bố màu sắc một cách hài hòa. Tác giả đã làm cho sản phẩm của mình thể hiện một cái khiên cổ mà những chiến binh ngày xưa thường dùng.


Giải nhất thể loại Đá Quý Mài Cabochon

 

Hình 3: Tác phẩm Lốc Xoáy đoạt giải nhất thể loại Đá Quý Mài Cabochon. Hình của Azadphoto.


Tên tác phẩm: Lốc Xoáy

Nghệ nhân: Sean Davis  

Vật liệu và sản phẩm: Sản phẩm hình tròn, đường kính 15,5mm, cao  5,37mm, nặng  7,29 ct.  Đá là opal lửa màu cam, xuất xứ ở Oregon, Mỹ.  

Cách chế tác: Từ một mẫu đá nhỏ xíu, to hơn 1,5 cm một chút, tác giả đã tạo dáng tròn rồi chạm khắc trên bề mặt để tạo hồn cho viên đá. Đường xoáy trôn ốc từ tâm ra ngoài, theo chiều ngược kim đồng hồ thể hiện một cơn lốc xoáy. Màu cam phớt đỏ là màu nóng, làm tăng tính dữ dội hơn, khốc liệt hơn của cơn lốc trong tự nhiên hay trong cuộc đời. Việc tạo rãnh xoáy, tạo các mặt nổi chìm và đánh bóng chúng trên một diện tích nhỏ xíu là hết sức khó khăn.


Giải nhì thể loại Đá Quý Mài Cabochon

Hình 4: Tác phẩm không có tên này đoạt giải nhì thể loại Đá Quý Mài Cabochon. Hình của Jim Harman.

 

Tên tác phẩm: không được đặt tên

Nghệ nhân: Jim Harman, website http://cabosean.com

Vật liệu và sản phẩm: Sản phẩm được làm từ đá agate và đá bazan xuất xứ Brazin. Đá gồm 3 mảnh rời nhau, một cặp mảnh đối xứng có kích thước giống nhau 45,2mm x 15,7mm x 4mm và một mảnh đơn 40,4mm x 38,7mm x 5,2mm. Mỗi mảnh của cặp nặng 41 ct, mảnh đơn 47 ct.

Cách chế tác: Từ đá gốc có những lớp song song với các màu khác nhau, tác giả đã lợi dụng sự phân bố này để tạo ra các mảnh đá có hình dạng đặc biệt và sự đối xứng duyên dáng. Ở sản phẩm này, công sức mài thì không nhiều, nhưng sự sáng tạo thì cao. Sản phẩm có giá trị ở chỗ tác giả đã tìm được những mẫu đá có hoa văn và màu sắc thích hợp để tạo ra 3 mảnh có hình dạng và màu sắc vừa hiện đại vừ cổ điển. Hình dáng mỗi mảnh, độ nhọn, độ khoét tròn làm cho mỗi mảnh đá như có sức cuốn hút người xem. Tác giả cố tình tạo 3 mảnh rời rạc để người xem tự sự sắp xếp chúng và tưởng tượng xem chúng biểu trưng cho ý nghĩa gì, có lẽ vì thế mà tác giả không đặt tên cho sản phẩm. 


Giải nhất thể loại Nghệ Nhân Triển Vọng


Hình 5: Tác phẩm Cá Bằng Đá Agate Rêu đoạt giải nhất thể loại Nghệ Nhân Triển Vọng. Hình của Bess Studio.


Tên tác phẩm: Cá Bằng Đá Agate Rêu

Nghệ nhân: Christopher Humphrey   

Vật liệu và sản phẩm:  Sản phẩm dài 15,2 cm, nặng 1559 ct. Tác giả sử dụng đá agate rêu xuất xứ Montana Mỹ làm con cá, đá thủy tinh núi lửa làm mắt và đế bằng đá sodalite (màu xanh đốm trắng).

Cách chế tác: Đá agate rêu trong sản phẩm này có màu cam phớt nâu, có nhiều đốm màu đen, là một loại đá trong mờ đến chắn sáng. Chính nhờ những đặc tính này và kích thước khá lớn, tác giả đã chạm khắc khéo léo thành một con cá đang bơi. Độ mềm mại đến từng chi tiết của sản phẩm làm chúng ta thấy nó như một con cá thật sự. Tính trong mờ và sự phân bố màu của đá được tác giả sử dụng khéo léo, giúp sản phẩm y như thật. Các vi cá chỗ có màu trong mờ đến chỗ màu trắng gần trong suốt, làm cho ta có cảm giác ánh sáng đang chiếu vào. Nền xanh trắng nhấp nhô bên dưới (đá sodalite) thể hiện dòng nước đang xao động, nơi mà con cá đang tung tăng bơi lượn.


 Giải nhì thể loại Nghệ Nhân Triển Vọng

Hình 6: Tác phẩm Kiểu Cắt Barion Hình Nệm Vuông Biến Thể đoạt giải nhì thể loại Nghệ Nhân Triển Vọng. Hình của Gary Braun.


Tên tác phẩm:
 Kiểu Cắt Barion Hình Nệm Vuông Biến Thể

Nghệ nhân: Gary Braun, công ty Finewater Gems

Vật liệu và sản phẩm:  Kích thước sản phẩm 21,2mm x 21,2mm x 15,3mm, nặng 38,1 ct. Vật liệu là đá citrine màu vàng không xử lý, xuất xứ Congo.

Cách chế tác: Từ vật liệu thô khá lớn và rất trong suốt, dựa vào kiểu cắt barion tác giả đã thay đổi một chút hình dạng, tăng thêm nhiều mặt giác để tạo nên sản phẩm có tên trên.

Kiểu cắt barion (hình 7) do nghệ nhân Watermeyer, người Brazin, đề xuất và đặt tên vào năm 1971. Lấy cảm hứng từ kiểu cắt emerald, Watermeyer phát minh ra kiểu cắt phối hợp giữa giác tầng và giác cúc. Kiểu cắt này dùng cho các đá có kích thước lớn, trong suốt và giữ được nhiều trọng lượng.

 

Hình 7: Kiểu cắt barion chuẩn. Hình trái: Phần trên kiểu giác tầng (giống kiểu emerald). Hình giữa: Phần đáy kiểu giác cúc. Hình phải: Phần đáy kiểu vừa giác tầng vừa giác cúc. Hình của Watermeyer.


Tác giả Gary Braun đã tạo dáng viên đá gần giống hình vuông và hình nệm, tăng thêm khá nhiều mặt giác hình tứ giác ở phần trên và nhiều mặt giác hình tam giác ở phần đáy. Ta thấy trong sản phẩm có 4 phần đối xứng nhau. Phần trên có đến 4 lớp mặt giác song song và một mặt bàn rộng. Mỗi cạnh ở một lớp có đến 6 mặt hình tứ giác, so với hình chuẩn thì tác giả đã tăng lên rất nhiều mặt giác. Và ở phần đáy cũng thế… Kết quả ta thấy viên đá cực kỳ long lanh và chiếu sáng.


Giải nhất thể loại Đá Quý Mài Giác

Hình 8: Tác phẩm không có tên này đoạt giải nhất thể loại Đá Quý Mài Giác. Hình của Jim Lawson.

 

Tên tác phẩm:  không được đặt tên

Nghệ nhân: Tyler Allen, website  exquisitegems.net

Vật liệu và sản phẩm:  Kích thước sản phẩm 10mm x 10mm x 7,5mm, nặng 5,97 ct. Vật liệu là đá chrysoberyl màu lục phớt vàng, trong suốt.

Cách chế tác: Tác giả khéo lựa đá, vì chrysobeyl màu đẹp và kích thước lớn và độ trong suốt cao như viên đá này thì thuộc loại hiếm. Đá đổi màu alexandrite và đá mắt mèo cũng thuộc nhóm chrysoberyl này. Khi đá không có hiệu ứng đổi màu hoặc mắt mèo thì gọi chung là chrysoberyl. Sản phẩm có hình bát giác đều và cắt kiểu giác cúc biến thể. Kiểu giác cúc chuẩn là gồm những mặt giác hình tam giác và tứ giác sắp xếp đồng tâm và đối xứng ở cả phần trên và phần đáy của viên đá. Viên đá này có độ trong cao, màu khá bão hòa và vì đá có tính xoay màu cao nên tác giả đã chọn kiểu cắt giác cúc biến thể để làm tăng độ lấp lánh, độ chiếu sáng của đá và nhất là tăng tính đa sắc của đá (vừa thấy màu lục, vừa thấy màu vàng và cả màu xanh, với các mức màu khác nhau). Tính đa sắc cao chỉ có ở một số ít loại đá quý.

 

Giải nhì thể loại Đá Quý Mài Giác

Hình 9: Tác phẩm Mặt Trăng Huyền Ảo đoạt giải nhì thể loại Đá Quý Mài Giác. Hình của Uffe Schulze.

 

Tên tác phẩm: Mặt Trăng Huyền Ảo

Nghệ nhân: Phill Mason, công ty Masons Studio Jewellers

Vật liệu và sản phẩm:  Kích thước sản phẩm 6mm x 5,1mm x 5,1mm, nặng 1,09 ct. Vật liệu là đá moonstone xuất xứ Tanzania.  

Cách chế tác: Tác giả đã lựa được một viên đá moonstone dù nhỏ nhưng khá đẹp. Viên đá nửa trong suốt, màu xanh da trời, có hiệu ứng ánh trăng rất mạnh. Hiệu ứng ánh trăng là kết quả giao thoa và phản chiếu ánh sáng thường là màu xanh dịu, khi xoay viên đá, ánh trăng thay đổi theo phương phản chiếu. Tác giả đã mài đến 193 mặt giác trên viên đá nhỏ xíu, nhỏ cỡ móng tay út. Nhờ kỳ công này, tác giả đã tạo ra một viên đá hết sức đẹp và giống như một mặt trăng huyền ảo nhờ sắc xanh và trắng lung linh trên các mặt giác.


Giải nhất thể loại Vật Làm Từ Đá Quý  

Hình 10: Tác phẩm Mẹ Ơi đoạt giải nhất thể loại Vật Làm Từ Đá Quý. Hình của Azadphoto.


Tên tác phẩm: Mẹ Ơi

Nghệ nhân: Darryl Alexander

Vật liệu và sản phẩm:  Kích thước sản phẩm 43mm x 35mm x 35mm, nặng 358,5 ct. Vật liệu gồm cẩm thạch đen từ Arizona, vỏ sò màu trắng và ngà voi hóa thạch. 

Cách chế tác: Tác giả chủ yếu sử dụng các đá từ 2 màu trắng và đen để tạo thành một sinh vật bé bỏng đang chào đời và cất tiếng kêu mẹ. Phần vỏ màu trắng được tác giả chạm khắc như hình một cái trứng rạn nứt, bể ra. Phần đá cẩm thạch màu đen là đầu một con thú nhỏ chào đời. Ngà voi được dùng làm 2 cục sừng mới nhú. Tất cả thật đơn sơ nhưng tinh tế từng chi tiết. Tác giả thể hiện khá tốt sự sáng tạo của mình.


Giải nhì thể loại Vật Làm Từ Đá Quý

Hình 11: Tác phẩm Tầm Cao Mới đoạt giải nhì thể loại Vật Làm Từ Đá Quý. Hình của Andrew Gulij.

 

Tên tác phẩm: Tầm Cao Mới 

Nghệ nhân:  Andrew Gulij

Vật liệu và sản phẩm: Kích thước sản phẩm 30mm x 24mm x 17,5mm, nặng 51,56 ct. Vật liệu là đá ametrine.

Cách chế tác:  Ametrine là một loại đá thạch anh có hai màu trong cùng một viên đá, đó là tím và vàng. Tên đá viết tắt từ 2 tên đá hiện diện trong nó: amethyst (phần màu tím) và citrine (phần màu vàng). Viên đá được tác giả mài thành khối hình tháp không đều. Phía sau tác giả chạm khắc tạo hình nổi nhìn thấy được từ phía trước. Hình chạm khắc gồm những ngôi sao và bậc thang. Việc chạm trổ hết sức tinh vi và khéo léo. Từ ngoài nhìn vào ta cứ ngỡ là tác giả đã đặt những vật ấy bên trong viên đá. Nhờ đá có các màu khác nhau, nên các hình bên trong cũng đổi theo màu đá gốc.


Triển lãm đá quý và khoáng vật Tucson 2008

Triển lãm lớn nhất thế giới về đá quý và khoáng vật được tổ chức hàng năm tại Tucson, bang Arizona Mỹ. Tại hội chợ này các nhà buôn và nhà ngọc học tổ chức những hội thảo về kinh doanh đá quý, về các công nghệ liên quan đến khai thác và chế tác đá. Ngoài ra những đơn vị tham gia có trưng bày và giới thiệu các loại đá mới, các công nghệ mới, đặc biệt nhất là những mẫu đá quý hiếm. Chúng tôi xin giới thiệu một số viên đá đặc biệt này:

Saphia (hình 12): Viên saphia này nặng 10,21 ct, màu xanh mạnh và sáng, rất trong và không bị xử lý. Đá xuất xứ từ Sri Lanka. Với saphia lớn trên 5 ct, chưa qua xử lý mà có màu tuyệt đẹp thì đã hiếm, còn viên này đến hơn 10 ct. Hầu hết các đá saphia và ruby trên thị trường đều qua xử lý nhiệt, một số thì được xử lý khác như lấp đầy khe nứt, tẩm thủy tinh, khuếch tán… Giá các đá saphia đẹp không xử lý ngày một tăng lên vì chúng là những hàng cao cấp.

Spinel (hình 13): Viên spinel màu đỏ hồng 12,07 ct này xuất xứ từ vùng Mahenge thuộc Tanzania là một trong số những viên đá đặt biệt đem tới triển lãm có nguồn gốc từ châu Phi. Giá đá spinel đẹp đã tăng lên gấp đôi trong 2 năm qua.

Hình 12: Viên saphia 10,21 ct. Hình của Robert Weldon

Hình 13: Viên spinel 12,07 ct. Hình của Robert Weldon

 

Thạch anh tóc (hình 14):  Mẫu đá 18,25 ct này đã được điêu khắc thành hình một biểu tượng, nó thuộc Larry Woods, một thợ mài đá bang Texas. Điểm đặc biệt của viên thạch anh này (đá không màu) là chứa rất nhiều kim rutile màu vàng cam óng ánh. Các kim này lại phân bố thành những ngôi sao 6 cánh dày. Đá như thế này thì rất hiếm trong tự nhiên.

Hình 14: Thạch anh tóc 18,25 ct. Hình của Robert Weldon.

Hình 15: Hai viên demantoid mắt mèo 43,39 ct và 2,43 ct. Hình của Robert Weldon.

  Demantoid garnet mắt mèo (hình 15): Trong những năm vừa qua người ta chỉ nghe bàn tán có một loại đá mới là dematoid garnet từ California Mỹ, nhưng rất hiếm khi được nhìn thấy chúng. Đợt triển lãm này Shawn Maddox, người đang khai thác loại khoáng này đã giới thiệu một số viên lấy từ dãy núi Diablo, California. Hình 15 là 2 viên dematoid garnet có hiệu ứng mắt mèo của Maddox. Viên nhỏ chỉ có 2,43 ct, còn viên lớn nặng đến 43,39 ct. Đá garnet mắt mèo to như thế cũng thuộc loại rất hiếm.

 

Hình 16: Viên opal Ethiopi 27,90 ct. Hình của Robert Weldon.

Hình 17: Viên opal Úc 13,60 ct. Hình của Robert Weldon.

Opal  Ethiopi (hình 16): Viên opal 27,90 ct này xuất xứ Ethiopi, châu Phi. Đá có màu nền là nâu và chắn sáng. Điểm đặc biệt là hiệu ứng lóe màu sặc sỡ ở viên đá này đã tạo ra các đốm màu phân bố kỳ lạ, giống như một bức tranh thủy mặc của Trung Quốc. Đương nhiên là khi lắc viên đá, các màu cũng sẽ thay đổi. Chắc có lẽ nhiều người mua bán đá lâu năm cũng hiếm khi nhìn thấy được một viên như thế.

Opal Úc (hình 17): Viên opal 13,60 ct này xuất xứ từ vùng cung cấp đá opal đen và đẹp nổi tiếng nhất thế giới, đó là Lightning Ridge thuộc Úc. Opal thuộc địa phương này đã thành hàng opal cao cấp của thị trường. Chúng nổi tiếng vì hiệu ứng lóe màu, toàn là những màu sặc sỡ mà đá opal ở những vùng khác không có được. Riêng với viên này được trưng bày vì nó lóe màu và phân bố màu quá đẹp, màu chủ đạo là đỏ, xanh dương và xanh lá, tất cả đều rất mạnh. Màu phân bố trên toàn bộ tiết diện đá, các đốm màu khá lớn, đều và cân đối. 

Đá quý tự thân nó sẽ không bộc lộ hết vẻ đẹp nếu không có con người khám phá và chế tác. Những mẫu đá trên nằm ẩn đâu đó trong lòng đất và bên trong lớp vỏ xấu xí, nhưng con người đã phát hiện ra và đã làm cho chúng trở nên đẹp, lạ lùng, quý và hiếm.