Chalcedony,Tsavorite, Benitoite (Bản tin tháng 11/2010)

Phương Pháp Xử Lý Mới Trên Chalcedony

Hình 1: Hai chuỗi chalcedony xử lý dùng để nghiên cứu có mạng lưới các đường màu trắng ở chuỗi phía trên khác biệt hơn nhiều. Các hạt tròn đường kính ~ 12,0 mm. Ảnh của C. D. Mengason

Mới đây chúng tôi được biết có một loại chalcedony mới trên thị trường. Đa số chúng có màu carnelian, nhưng nó gây chú ý bởi một mạng lưới các đường trắng nổi lên bất thường. Có nhiều chalcedony như thế này ở hội chợ đá quý Tucson vì thế phòng giám định GIA ở Carlsbad đã thu thập 2 chuỗi hạt để nghiên cứu (hình 1).

Hình 2: Dưới kính phóng đại cho thấy các đường màu trắng nằm theo các khe nứt trong một hoa văn đặc thù của cấu trúc dạng da rạn. Ảnh của Shane F. McClure

Các hạt được xác định là chalcedony nhờ đo được chiết suất RI là 1,53, cấu trúc dạng kết hạt và sọc agate đặc trưng bên dưới mạng lưới các đường trắng có trong nhiều viên. Dưới kính phóng đại cho thấy các đường trắng này nằm theo các khe nứt trong một hoa văn đặc thù được tạo ra bởi cấu trúc dạng da rạn (hình 2). Màu trắng thấm vào thân của các viên đá một khoảng rất nông ở mỗi bên của khe nứt và một phần hướng xuống tâm của viên đá.

Chúng tôi không thấy tài liệu nào nói rằng các khe nứt như thế là tự nhiên trong chalcedony, vì thế để nghiên cứu thêm chúng tôi đã cắt nhiều viên ra làm hai (hình 3). Lập tức rõ ràng rằng các khe nứt không xuyên hết hạt mà chỉ xuyên đến lớp gồ ghề trên bề mặt. Độ sâu này khác nhau giữa các hạt và nó sâu hơn ở những chỗ đường trắng gồ ghề hơn. Các đới màu trắng theo sát các khe nứt và kết thúc ở chỗ chúng dừng (xem lại hình 3). Một hạt còn có một lớp màu trắng hẹp dọc theo bề mặt của nó.

Hình 3: Hai hạt chalcedony này được cắt làm đôi. Chú ý rằng các khe nứt trong hạt hình oval, chỗ các đường màu trắng khác biệt hơn, sâu hơn nhiều và các đới màu trắng kết thúc tại các khe nứt. Viên hình tròn có đường kính ~12,0 mm. Ảnh của C. D. Mengason

Sự sắp xếp này rõ ràng không phải tự nhiên. Chúng tôi không biết chính xác phương pháp xử lý nhưng do sự hiện diện liên kết của dạng da rạn nên có thể suy đoán là do phương pháp tẩy trắng.

Cho dù đây chỉ là một trong nhiều phương pháp xử lý trên chalcedony nhưng gần đây chúng tôi biết được rằng khoáng này được cho là agate lửa “fire agate” – một viên chalcedony màu nâu tán sắc nhiều màu và có giá cao hơn hầu hết các viên chalcedony khác. Các chuỗi hạt mà chúng tôi nghiên cứu không giống với agate lửa, nhưng nó lại bị hiểu nhầm là agate lửa.

Kề từ sau khi có mẫu đầu tiên, chúng tôi thấy chalcedony xử lý này ở nhiều màu tẩm không tự nhiên khác nữa, hầu hết là màu lục, xanh và hồng. Thật vậy, một số người buôn nói với chúng tôi rằng thậm chí màu carnelian cũng là màu nhuộm.

Nghiên cứu trên mạng internet cho thấy tồn tại rất nhiều mặt hàng như thế này. Trên một trang bán đấu giá nổi tiếng cho thấy hàng trăm kết quả với nhiều tên khác nhau như “Crab fire agate”, “Fire Dragon Veins Agate” và “Crackle Fire Agate”. Tuy nhiên có nhiều mục liệt khoáng này vào loại agate lửa tự nhiên – một sự miêu tả hoàn toàn sai về loại chalcedony xử lý này. (Theo Shane McClure trong Lab Notes, G&G Winter 2009)


Bao Thể Thú Vị Kết Tinh Trong Tsavorite

Một trong những điều lý thú mà các chuyên gia đá quý quan tâm là khám phá ra những đặc điểm thú vị để chia sẻ với những người khác. Ví dụ một viên đá có đặc tính quang học gây ngạc nhiên, phổ UV bất thường hay chỉ số chiết suất trên mức bình thường. Hầu hết những đặc tính thú vị đều ở bên trong của viên đá. Như trường hợp của viên grossular màu lục (tsavorite) nặng 5,44 ct mới được đưa đến phòng kiểm định ở Bangkok để giám định và cấp giấy chứng nhận. Đôi lúc cũng có thấy nhiều dạng bao thể trong tsavorite, nhưng viên đá này lại cho thấy nhiều điều thú vị như các ống dài, các tinh thể không màu và các hạt nhỏ khắp viên đá. Một số tinh thể lớn hơn cho thấy có dạng quầng sáng bao quanh.

Hình 4: “Tinh thể” lộ rõ lên đến bề mặt trong đá tsavorite chủ (bên trái, ánh sáng thị trường tối) sự thật là bao gồm 3 khoáng – zoisite, thạch anh và có lẽ là sphene- mỗi khoáng có ánh bề mặt khác nhau (bên phải, ánh sáng phản chiếu). Phóng đại 180 lần. Ảnh của Nick Sturman.

Chính một trong những tinh thể không màu (hình 4, bên trái) đã gây nên sự chú ý, bởi vì nó là tạp chất dạng bao thể màu nâu phớt vàng rất nhỏ. Trong một nghiên cứu gần đây, tạp chất này xuất hiện ở dạng từng bao thể riêng lẻ trong tinh thể không màu. Dưới phóng đại lớn hơn cho thấy “tinh thể không màu” này thật sự là kết hợp của 3 khoáng khác nhau, nhìn thấy rõ qua ánh sáng phản chiếu (hình 4, bên phải).

Điều bất ngờ nữa là bao thể này lại xuất hiện trên bề mặt. Phân tích phổ Raman cho thấy có mối liên quan đến zoisite và thạch anh ở những vùng không màu và liên quan với sphene, nhưng không được chắc chắn, ở vùng màu nâu phớt vàng. Tuy nhiên màu nâu phớt vàng lại phù hợp với sphene và dựa vào độ phản xạ cao của nó, chỉ số chiết suất của nó cao hơn nhiều so với hai thành phần khác trong bao thể kết hợp này (điều này cũng phù hợp với sphene). Thêm một yếu tố bổ trợ khác cho việc xác định cả 3 khoáng trên là từ những điều kiện địa lý hình thành nên tsavorite. Như ta đã biết zoisite và grossular có thành phần hóa học giống nhau và thường tổ hợp với nhau (như tsavorite và tanzanite; xem V. Pardieu và R.W.Hughes, “Tsavorite-vẻ đẹp tự nhiên”, Incolor, Fall-Winter 2008-2009, trang 12-20). Hơn nữa thạch anh và sphene được biết là những khoáng vật tổ hợp bao quanh tsavorite (K. Suwa và những người khác, “Grossular vanadian và vanadium từ đá biến chất Mozambique, Mgama Ridge, Kenya”, Báo cáo sơ bộ lần 4 từ những nghiên cứu ở Châu Phi, Đại học Nagoya, 1979, trang 87-95).

Đây là lần đầu tiên phòng giám định ở Bangkok nhìn thấy bao thể ở dạng kết hợp của ba khoáng zoisite, thạch anh và sphene như thế trong tsavorite. (Theo Nicholas Sturman và Garry Du Toit, trong Lab Notes, G&G Winter 2009)


Benitoite Được Cắt Mài Mới Và Việc Sử Dụng Trong 

Sản Xuất Nữ Trang

Nguồn benitoite chất lượng quý mang tính thương mại cao trên thế giới, nó được khai thác chủ yếu từ mỏ đá quý Benitoite ở San Benito County, California. Tuy nhiên mỏ này đã bị đóng cửa và sau đó được cải tạo vào tháng 6 năm 2005. Dù vậy một lượng dự trữ đáng kể khoáng mài giác được tích lũy bởi công ty khai khác Benitoite (BMI; Golden, Colorado) trong thời gian khai thác quặng. Ở hội chợ đá quý Tucson 2009, chủ tịch tập đoàn BMI, ông Bryan Lees cho trưng bày một bộ sưu tập gồm một số viên benitoite đẹp nhất được cắt mài từ số dự trữ này, bao gồm 10 viên đá với tổng trọng lượng 52,39 carat (hình 7). Có một cặp rất đều nhau nằm đối xứng, mỗi viên nặng ~5,9 ct và 01 viên dạng tròn, giác cúc nặng 10,87 ct – viên benitoite mài giác lớn thứ 2, sau viên benitoite mài giác nặng15,42 ct được in trên trang bìa quyển Fall 1997 G&G. Tất cả đá được mài giác từ năm 2002 đều do Ben Kho mài (Decatur, Georgia).

Hình 7: Tổng trọng lượng 52,39carat, 10 viên benitoite này được khai thác và mài giác bởi Tập Đoàn Khai Khoáng Benitoite. Viên tròn, giác cúc ở giữa là viên benitoite mài giác lớn thứ 2 từng được biết đến. Hai viên đá rất đều nhau nằm đối xứng, mỗi viên nặng ~ 5,9 ct và viên nhỏ nhất trong hình nặng 3,14 ct. Mẫu thuộc sở hữu của tập đoàn BMI và Edge Minerals; ảnh của Robert Weldon.

BMI cắt mài tất cả nguồn hàng dự trữ của họ được các viên đá >0,15 ct và ông Lees ước lượng lượng hàng này sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm tùy vào sự hồi phục của thị trường kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, tùy theo nhu cầu thị trường, những viên đá kích cỡ khác nhau được cắt mài thành hình tròn, giác cúc, đường kính từ 1 – 3,25 mm. Ông Lees cho rằng việc cung cấp khoáng này có thể kéo dài dưới 5 năm.

Thị trường về benitoite với nhiều kích cỡ khác nhau được cải thiện bởi cách trưng bày mới mẻ của loại khoáng vật này. Các mẫu trang sức chú trọng vào dạng cắt mài theo giác cúc và sự đa dạng về màu sắc của các viên đá được phát triển bởi Paul Cory (Tập đoàn Iteco, Powell, Ohio) và Eric Braunwart (Tập đoàn Coloumbia Gem House, Vancouver, Washington; xem hình 8). Một số chiếc nhẫn và lắc tay với nhiều viên được gắn kết với nhau một cách rất linh động, mềm mại. Các khung bằng vàng trắng được sản xuất với công nghệ laser tại Trung Quốc và các viên đá được gắn lên ổ chấu tại Mỹ. Khoảng 400 viên benitoite được gắn vào một chiếc lắc tay và mỗi viên đá có kích thước từ 1,75 đến 2,75 mm.

Hình 8: Mẫu trang sức được thiết kế để gắn các viên benitoite nhiều kích cỡ (trong hình này là dạng tròn 2,5mm) chiếu sáng rực rỡ với nhiều màu sắc khác nhau. Nhẫn gắn 58 viên benitoite một cách khéo léo với các ổ chấu linh động, mềm mại, có thể chuyển động nhẹ nhàng, trong khi các viên đá trên bông tai (hình bên trái và ở trên) thì được gắn theo kiểu truyền thống, tức ổ chấu không thể chuyển động. Ảnh của Robert Weldon.

Gần đây có một ấn phẩm về giai đoạn hoạt động khai thác, xử lý đá bởi BMI và nhiều chi tiết khác trước ngày phát hiện mỏ được xuất bản bởi W. E. Wilson (“Lịch sử 100 năm của mỏ đá quý benitoite, San Benito County, California”, Tài liệu khoáng vật học, quyển 39, số 1, 2008, trang 13 – 42). Tháng 6 năm 2005, BMI bán quyền sở hữu cho David Schreiner of Coalinga, California và được đổi tên thành Mỏ Đá Quý Bang California. Mỏ hoạt động trên cơ sở có thu phí từ năm 2007-2008 và đến khi cục quản lý đất đai đóng cửa hoàn toàn Clear Creek Management Area do liên quan đến sức khỏe cộng đồng vì quá tải chất thải asbestos (thường được gọi là a-mi-ăng; chính xác là khoáng vật asbest, một khoáng vật silicat, có thể tách ra thành sợi chắc, mảnh, dẻo, chịu được sức nóng và không bị tác dụng của hóa chất, do đó asbest là loại vật liệu thích hợp để sản xuất vải, giấy, xi măng. Trước đây chúng được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp, hàng hải, xây dựng, sản xuất ô tô. Tuy nhiên do một số thuộc nhóm khoáng vật asbest này rất độc hại đối với con người nên chúng dần dần bị cấm sử dụng) ảnh hưởng đến nhiều địa phương gần mỏ benitoite trước đây.

 (Theo Brendan M. Laurs, trong Gem News International, G&G Winter 2009)