Bảng tin tháng 01/2012

Aquamarine Và Heliodor Của Vùng Indochina

Hình 1: Các tinh thể đẹp aquamarine (dài nhất là 8,9 cm) được khai thác từ một mỏ khá mới ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Ảnh chụp bởi Jack Lowell.

Vào tháng 6 năm 2010, Jack Lowell (Colorado Gem & Mineral Co., Tempe, Arizona) thông tin cho GIA biết về loại khoáng vật heliodor và aquamarine chất lượng quý từ vùng Indochina (hình 1 và 2). Theo nhà cung cấp (Tan Pham, Vietrock.com, Philadelphia), khoáng vật aquamarine chất lượng quý được khai thác từ năm 2008 ở miền Bắc Việt Nam, trong khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Khu vực tìm thấy khoáng thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, trong khi mỏ ở Nghệ An thì nằm trong huyện Quế Phong. Aquamarine từ Nghệ An đã được khia thác từ những năm 2003 – 2004; gần đây ngày càng có nhiều tinh thể khoáng được tìm thấy với độ dài lên đến 20 cm. Các đá nền (thường cộng sinh với thạch anh khói) thường hiếm gặp (các mỏ ở Thanh Hóa) do sự phong hóa của đá gốc pegmatite. Ông Lowell cho biết rằng mỏ khoáng ở Thanh Hóa về cơ bản sẽ có trữ lượng nhiều hơn ở khu vực Nghệ An (thực tế thì dữ liệu này khó lòng tin được) và các tinh thể mới được tìm thấy gần đây thì có màu xanh đậm hơn. Đã có những viên đá aquamarine Việt Nam, chất lượng quý và sạch (ít tạp chất) được mài giác có trọng lượng lên đến ~35 ct.

Các khoáng heliodor với dạng tinh thể kết tinh đẹp (hình 2) gần đây cũng đã được khai thác từ một vùng khác thuộc miền Đông Nam Châu Á, theo ông Phạm nghĩ thì nó thuộc Cambodia. Những tinh thể này lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam vào năm 2007; ông Phạm đã từng thấy có viên dài đến 7,5 cm. Các tinh thể heliodor này, cũng như các tinh thể aquamarine được mô tả ở trên hiện nay đã trở nên phổ biến với những người mua bán đá Trung Quốc.

Hình 2: Các tinh thể heliodor này (dài nhất là 7,5 cm) là từ vùng Đông Nam Châu Á. Ảnh chụp bởi Jack Lowell.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Những Thông Tin Mới Về Mỏ Khoáng Andesine Ở Tây Tạng

Hình 3: Các hố cạn, đào trong đất phù sa là nguồn khoáng andesine tại mỏ Zha Lin (trái). Hình bên phải là vị trí của một hố kiểm tra ngẫu nhiên gần Zha Lin, nơi nhóm nghiên cứu tìm thấy andesine. Ảnh chụp bởi B. M. Laurs.

Vào cuối tháng 9 năm 2010, một nhóm nghiên cứu quốc tế khảo sát về andesine hiện diện ở vùng Tây Tạng, họ đang nổ lực tìm ra sự thật về nguồn gốc của loại khoáng này, trước đây loại andesine màu đỏ này được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu này được sáng lập bởi AA và được điều hành bởi người thợ mỏ tên Li Tong và vợ anh ta, cô Lou Li Ping. Ngoài ra còn có các thành viên như Richrd Hughes (Sino Resources Mining Corp., Hong Kong), Flavie Isatelle (chuyện viên đá quý người Pháp), Christina Iu (m. P. gem Corp., Kofu, Nhật Bản), Thanong Leelawatanasuk (Gem & Jewellery Institute of Thailand, bangkok), Young sze Man (Jewellery News Asia, Hong kong) và người đồng sáng lập BML. Nhóm nghiên cứu này đến từ các vùng khác nhau như: Quảng Châu, Trung Quốc, Lhasa, Tây Tạng sau đó họ đi về hướng Tây khoảng 7 tiếng (350 km) để đến Shigatse, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng. Khu vực mỏ khoáng andesine nằm cách Shigatse khoảng 1,5 giờ đi xe. Dọc những con đường mới được mở rộng trong phạm vi 1 – 3 km đã ghi nhận có tất cả 3 mỏ andesine Tây Tạng nằm ở các địa phương như Bainang, Zha Lin và Yu Lin Gu (xem tọa độ GBS trong bảng 1).

Bảng 1: Vị trí hiện diện khoáng andesine Tây Tạng trong báo cáo này

Vị trí

Tọa độ GPS

Độ cao

Bainang

 

Zha Lin

Yu Lin Gu

29°02,48’N; 89°22,25’E (phía Nam của mỏ)

29°02,72’N; 89°22,11’E (phía Bắc của mỏ)

29°03,95’N; 89°20,88’E

29°03,08’N; 89°20,76’E

4.100 m (13.452 ft.)

4.076 m (13.373 ft.)

3.929 m (12.891 ft.)

4.102 m (13.460 ft.)

Mỏ andesine Bainang, được xem như là mỏ andesine quan trọng nhất của Tây Tạng, nhóm nghiên cứu cũng đã được một lần đến đây vào năm 2008 (xem trong Gem News International, Winter 2008, trang 369 – 371; và bài viết của A. Abduriyim, “Những đặc điểm của loại khoáng andesine màu đỏ từ vùng núi cao Himalaya, Tây Tạng”, Journal of Gemmology, Vol. 31, No. 5 – 8, 2009, trang 283 – 298). Mỏ này nằm cách ~ 2,2 km về phía Tây Nam của làng Nai Sa, nơi mà nhóm nghiên cứu đã thấy có khoảng ~10 kg khoáng được người dân địa phương khai thác và lưu trữ hơn 3 năm trước đó. Nhóm nghiên cứu được cho biết rằng hầu hết các mỏ ở Bainang đều được kiểm soát từ 2005 – 2008 và được điều hành bởi Li Tong. Thật không may là nhóm nghiên cứu không được phép vào tham quan mỏ bởi sự ngăn cản của các tu sĩ địa phương đầy quyền lực, mặc dù họ được sự cho phép chính thức từ chính phủ Trung Quốc và có cả cảnh sát hộ tống.

Hình 4: Tại Yu Lin Gu, andesine được tìm thấy trên bề mặt của nón phóng vật. Ảnh chụp bởi B. M. Laurs.

Mỏ Zha Lin nằm kế bên làng Zha Lin. Theo nguồn tin đã đưa thì mỏ này được khai thác bởi người dân địa phương từ năm 2006 – 2008 bằng các công cụ cầm tay đơn giản và có khoảng 2 tấn khoáng andesine đã được khai thác tại đây. Nhóm nghiên cứu đã nhìn thấy một loạt các hố cạn trong khu vực mỏ nhưng không có dấu hiệu cho thấy rằng các hố này mới được đào trong thời gian gần đây. Mỏ này nằm trong vùng đất phù sa màu xám vừa, nằm bên dưới lớp vật chất phù sa này gồm chủ yếu là đá phiến sét và đá bùn, đôi khi còn có mạch thạch anh đi kèm. Nhóm nghiên cứu đã đào 02 hố nhỏ (nơi sâu nhất ~ 0,7 – 1,2 m) và đã tìm thấy được một số mẫu đá andesine và các mẫu này được phát hiện ở cùng độ sâu trong cả hai hố. Nhóm nghiên cứu tiếp tục đào thêm 03 hố ở các vị trí ngẫu nhiên khác nữa trong khu vực đất phù sa (dưới các bụi cây gai) nằm cách khu vực khai khoáng khoảng 30 – 50 m, nơi không thấy sự lộ thiên của khoáng andesine hay dấu hiệu của sự đào bới trước đó (hình 3, phải). Các hố này được đào theo một hàng với độ sâu là 0,3 m và họ đã tìm thấy khoáng andesine ở cùng độ sâu ở tất cả các hố.

Như đã nhìn thấy trước đây về loại andesine được cho là có nguồn gốc từ Tây Tạng, tất cả các khoáng vật dạng thô thường xuất hiện dưới dạng các đá cuội bị nước mài mòn và có màu từ đỏ nhạt đến đậm, một số viên còn có các vùng màu lục phớt xanh.

Hình 5: Các viên andesine này được thu thập bởi nhóm nghiên cứu tại khu vực Zha Lin (trái, 0,10 – 1,14 g) và Yu Lin Gu (phải, 0,25 – 1,55 g) ở Tây Tạng. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Tại mỏ Yu Lin Gu, nhóm nghiên cứu tìm thấy andesine nằm rải rác khắp khu vực nón phóng vật (hình 4) trong thung lũng cách Zha Lin ~ 2 km. Có khoảng 200 kg andesine đã được khai thác bởi người dân địa phương kể từ năm 2006, lúc này chưa có tổ chức nào quản lý việc khai khoáng; các khoáng andesine chỉ được thu nhặt khi chúng nằm lộ ra trên bề mặt. Nhóm nghiên cứu đã thu thập được nhiều mẫu khoáng, chúng được tập trung trong phạm vi nhỏ với mật độ khoáng khoảng 4 đến hơn 10 viên khoáng trên một m2. Hầu hết chúng được tìm thấy trên các phần chia cắt thành các nhánh của nón phóng vật và ngoài ra còn có trong các nhánh không liên tục còn hoạt động ở một phía của nón phóng vật. Nhóm nghiên cứu tìm thấy các viên andesine nằm lộ ra trên bề mặt hoặc nằm ngay bên dưới bề mặt trong lớp đất phù sa bời rời nhưng không có viên andesine nào được tìm thấy khi nhóm nghiên cứu đào các hố trong lòng nón phóng vật. Dãy màu và mức độ tròn cạnh của các viên đá này là tương đồng với các khoáng được tìm thấy ở khu vực Zha Lin nhưng phần lớn chúng có màu ít bão hòa hơn (hình 5).

Nhóm nghiên cứu không thể kiểm chứng mỏ Yu Lin Gu có thật sự là nguồn quặng andesine hay không bởi vì họ không tìm thấy mẫu đá nào ở độ sâu tương tự các khu mỏ kia. Tại mỏ Zha Lin, nơi nhóm nghiên cứu phát hiện ra khoáng andesine trong phạm vi các hố đào ngẫu nhiên, trước đây chưa có sự khảo sát thăm dò nào ở các khu vực gần khu vực mỏ vừa được công bố, điều này phù hợp với những gì mà nhóm nghiên cứu mong đợi về mỏ andesine Tây Tạng thực sự. Nguồn đá gốc chứa khoáng andesine không hiện diện trong khu vực này và có lẽ nó được phong hóa xói mòn và tích tụ liên tục tại đây. Kết luận cuối cùng mà nhóm nghiên cứu quan tâm là những thảo luận xung quanh mỏ andesine Tây Tạng, điều này sẽ phụ thuộc vào việc phân tích tại phòng giám định trên các mẫu thu được trong cuộc khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu. (Theo Ahmadjan Abduriyim (ahmadjan@gaaj-zenhokyo.co.jp), Hiệp Hội Đá Quý Nhật Bản – Zenhokyo, Tokyo và Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Aquamarine Màu Xanh Đậm Từ Tsaramanga, Madagascar

Hình 6: Mỏ pegmatite Tsaramanga, miền trung Madagascar, nơi cung cấp chủ yếu loại aquamarine màu xanh đậm trong những năm gần đây. Ảnh chụp bởi De Rosnay.

Vào tháng 7 năm 2009, 300 kg aquamarine màu xanh đậm đã được khai thác từ vùng đá pegmatite Tsaramanga, miền trung Madagascar. Mỏ này (hình 6) nằm cách làng Mahaiza 5 km, thuộc huyện Betafo. Các mỏ khoáng ở Tsaramanga lần đầu tiên được khai thác bởi những người Đức vào những năm 1920, chủ yếu họ khai thác các khoáng tourmaline (đen, vàng và lục), beryl hồng và một số khoàng vật khác. Ngày nay mỏ khai thác chủ yếu là thạch anh hồng trong vùng lõi của đới pegmatite (hình 7, trái), đôi khi có thể tìm thấy các tinh thể aquamarine màu xanh đậm, kích cỡ lớn (dài đến 1,5m, đường kính đến 40 cm) tập trung trong một khu vực (hình 7, phải). Một số viên beryl gồm nhiều màu cũng đã được tìm thấy nhưng chất lượng không cao.

Hình 7: Một hầm mỏ rộng lớn ở Tsaramanga (trái) khai thác chủ yếu là thạch anh hồng nhưng thỉnh thoảng cũng phát hiện sự tập trung của các tinh thể aquamarine xanh đậm (phải). Ảnh chụp bởi F. Isatelle

Về mặt địa chất của khu vực này bao gồm các đá gabbro bị xâm nhập bởi các đá pegmatite giàu feldspar và một số mạch lớn thạch anh. Có hai dạng pegmatite, được phân định dựa trên thành phần mica có trong đá như muscovite (thường đi với khoáng aquamarine) hay biotite-phlogopite. Mỏ lộ thiên ở Tsaramanga có kích thước ~ 70 x 20 m và được khai thác bởi một nhóm thợ mỏ khoảng từ 10 – 20 người, sử dụng các máy khoan bằng khí nén và các công cụ cầm tay như búa và xà beng.

Hình 8: Mẫu aquamarine trong đá gốc thạch anh hồng này là điển hình của loại khoáng vật có màu đậm bất thường từ vùng Tsaramanga. Như tinh thể đặc trưng này chứa nhiều vết rạn nứt tuy nhiên cũng có vài chỗ nhỏ có chất lượng quý (hình ghép thêm, góc trên, phải). Ảnh chụp bởi De Rosnay.

Khoảng 10% aquamarine mới khai thác gần đây là có chất lượng để mài giác, 60% ở mức độ dùng để mài cabochon và khắc tượng và số còn lại thì đục và rạn nứt nhiều. Aquamarine với màu đậm đặc biệt thế này đã làm cho mỏ đá nơi đây trở thành nguồn cung cấp đá quý nổi tiếng. Mặc dù những tinh thể beryl kích cỡ lớn đến hàng kg thì bị rạn nứt rất nhiều do chúng thường hình thành cùng với thạch anh và feldspar hơn là hình thành ở dạng ổ hốc lộ thiên, chúng chiếm một lượng đáng kể trong khu vực chứa nhiều mỏ khoáng (hình 8, phần ghép vào thêm), nơi này có thể cung cấp những viên đá mài giác hấp dẫn nặng đến 6 – 7 ct.

 (Theo Flavie Isatelle (flavie.isatelle@gmail.com), Avignon, Pháp trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Diopside Từ Pakistan

Năm 2007, nhà buôn đá quý Farooq Hashmi (Intimate Gems, Jamaica, New York) thu mua được một lô đá thô màu lục phớt vàng nhạt ở Peshawar, Pakistan. Người bán hàng cho ông biết rằng lô hàng này là từ một mỏ mới ở khu vực phía Bắc Pakistan (nay được gọi là Gilgit-Baltistan) nhưng anh ta không biết chúng giống với loại khoáng vật nào. Lô hàng nặng 200g này gồm các viên có trọng lượng từ 1 – 5 g. Ông Hashmi đã thấy thêm nhiều lô hàng tương tự nhưng với chất lượng thấp, cũng được bày bán từ thương nhân nêu trên, trong suốt chuyến hành trình sau này của ông vào giữa năm 2008.

Ông Hashmi cho GIA mượn hai viên tinh thể đẹp và một viên tròn giác cúc, được cắt mài bởi Robert Buchannan (Hendersonville, Tennessee; xem dữ liệu lưu trữ G&G tại gia.edu/gandg để hiểu thêm về việc cắt mài) để nghiên cứu (hình 9). Qua những kiểm tra ngọc học cơ bản thu được các đặc điểm sau: màu sắc – lục phớt vàng nhạt đến lục phớt vàng; đa sắc – không; chiết suất – na = 1,670 – 1,675 và nɣ = 1,695 – 1,698; độ lưỡng chiết – 0,025 – 0,028; tỷ trọng thủy tĩnh – 3,27; phản ứng dưới kính lọc Chelsea – không; phát quang – trơ dưới chiếu xạ UV sóng ngắn và dài; có một vạch hấp thu sắc nét tại 505 nm dưới phổ kế để bàn. Những đặc điểm này phù hợp với diopside (R. Webster, Gems, 5th, biên tạp và hiệu chỉnh P. G. Read, Butterworth-Heinemann, Oxford, UK, 1994, trang 330 – 331). Kiểm tra dưới kính hiển vi thấy hiện tượng doubling (nhân đôi cạnh giác) mạnh trên viên đá mài giác (và không quan sát thấy sự hiện diện của các bao thể), trong khi ở hai viên đá tinh thể thì thấy chứa bao thể dạng “dấu vân tay” và các khe nứt bị nhiễm màu đỏ của sắt.

Hình 9: Ba mẫu đá (viên tròn giác cúc nặng 1,97 ct) từ mỏ ở miền Bắc Pakistan được chứng minh là khoáng diopside. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Phổ hấp thu EDXRF trên 3 mẫu đá ghi nhận được sự hiện diện của Si, Mg, Ca, FE, Al và Cr. Phân tích bằng phổ khối lượng – Plasma kép cảm ứng – Bắn laser (LA – ICP – MS) cũng thu được thành phần tương tự cộng thêm dấu hiệu hiện diện của một lượng nhỏ nguyên tố V (vanadi). Nghiên cứu trước đây về pyroxen của E. Huang và nhóm nghiên cứu (“Đặc điểm phổ hấp thu Raman của pyroxen-Mg-Fe-Ca”, American Mineralgogist, Vol. 85, 2000, trang 473 – 479) đã xác nhận rằng phổ Raman có thể phân biệt được diopside với các khoáng khác trong nhóm pyroxen-Mg-Fe-Ca, như enstatite, ferrosilite, hedenbergite và wollastonite. Phổ Raman trên 3 mẫu này cho thấy kiểu dao động của diopside tương tự với công bố của Huang và nhóm nghiên cứu (kiểu phổ hấp thu này hiện có trong kho lưu trữ dữ liệu G&G). Từ những dự liệu này nhóm nghiên cứu xác định khoáng này là diopside.

(Theo Pamela Cevallos (pcevallo@gia.edu), Phòng giám định GIA, New York trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Emerald Lớn Kỷ Lục Phát Hiện Tại Hiddenite,

Phía Bắc Carolina

Mặc dù khu vực xung quanh vùng Hiddenite, phía Bắc Carolina, đã từng nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều khoáng cực đẹp, trong đó emerald chất lượng quý xuất xứ từ địa phương này là cực kỳ quý và rất được các nhà sưu tầm đá săn lùng. Từ trước đến thời gian gần đây, viên emerald mài giác lớn nhất từng được biết là viên đá hình giọt nước nặng 18,88 ct, có tên gọi là “Carolina Queen”. Một viên đá thô nặng ~ 14 g tìm thấy tại mỏ Rist, hiện nay được đổi thành mỏ emerald Bắc Mỹ được cắt mài và đã được giới thiệu trong tạp chí G&G quyển Fall 1998. Một tinh thể tương tự cũng được cắt mài thành viên đá hình oval nặng 7,85 ct có tên gọi là Carolina Prince, viên đá này được bán với giá 500.000 USD cho một nhà sưu tập đá có quan hệ gia đình với một người nào đó sống tại Hiddenite.

Hình 10: Thợ mỏ Terry Ledford giới thiệu tinh thể emerald kích thước lớn nằm cạnh túi khoáng, nơi được phát hiện vào tháng 8 năm 2009 ở Hiddenite, Bắc Carolina. Hình đính kèm là tinh thể có dạng tinh thể đẹp và nặng 62,01 g. Ảnh được cung cấp bởi Terry Ledford.

Vào tháng 8 năm 2009, một tinh thể emerald chất lượng quý nặng 62,01g được tìm thấy trong đất phong hóa thuộc đồn điền Adams (hình 10), trước đây được biết chủ yếu là nguồn khoáng hiddenite (khoáng spodumene màu lục chứa Cr). Thợ mỏ Terry Ledford và chủ điền Renn Adams đã đào được viên emerald ở độ sâu 4,3 m trong khi đang đào một vỉa than đá, loại này đôi khi cũng chứa các túi khoáng chứa hiddenite. Phát hiện này được tìm thấy trong khu mỏ lộ thiên gần địa điểm thăm dò đã bị cây cối che phủ, nơi trước đây được khảo sát bởi tiến sĩ William Hidden, ngưởi đã gửi báo cáo về khu vực này cho Thomas Edison để ông có thể tìm được platinum (Pt) sử dụng cho phát minh đèn sợi tóc của ông. Tiến sĩ Hidden cùng với tiến sĩ George Frederick Kunz – nhà địa chất, nhà nghiên cứu học nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19/đầu thế kỷ 20 – đã nhận diện được 63 loại đá quý và khoáng chất khác nhau trong khu vực Hiddenite.

Emerald thô có chứa các tinh thể rutile trong một số mặt, đây là dấu hiệu nhận diện điển hình của loại emerald phía Bắc Carolina. Sau nhiều tuần nghiên cứu, chủ điền quyết định cho cắt mài viên đá sao cho giữ được trọng lượng lớn nhất có thể và cuối cùng việc này được giao cho Jerry Call, một thợ cắt mài giàu kinh nghiệm đảm nhiệm, ông cũng là người đã mài viên emerald Carolina hình giọt nước nặng 13,14 ct được tìm thấy bởi Tiffany & Co. vào những năm 1970. Kết quả là viên đá được cắt theo kiểu giác tầng tự do với trọng lượng tối đa đạt được là 74,66 ct, một kỷ lục mới cho viên emerald vùng Bắc Mỹ.

Hình 11: Viên emerald được mài lại, được gọi là Carolina Emperor trong ảnh để so với hình phóng to viên emerald của Catherine đại đế được gắn trên ghim hoa cài áo với trọng lượng trên 60 ct được đăng tải trong bộ sưu tập của tập đoàn bán đấu giá Christie’s ngày 22 tháng 4 năm 2010. Ảnh chụp bởi C. R. Beesley.

Sau đó không lâu, tập đoàn bán đấu giá Christie’s có giới thiệu bán một ghim hoa cài áo có gắn viên emerald Colombia với trọng lượng khoảng trên 60 ct, từng là sở hữu của Catherine đại đế của nước Nga vào thế kỷ 18. Do kích cỡ và chất lượng tương đồng nhau của hai viên emerald, Adams và Ledford đồng ý với lời đề nghị cho cắt mài lại viên đá của họ thành dạng sáu cạnh hỗn hợp để cạnh tranh với viên emerald của Catherine đại đế (hình 11 và 12). Sau ba ngày mài mò cắt mài lại một cách tỉ mỉ, Ken Blount thuộc công ty Nassi & Sons ở thành phố New York, đã hoàn tất với thành phẩm sau cùng đạt trọng lượng 64,83 ct và nó đã có vẻ bề ngoài đẹp hơn một cách đáng kể so với ban đầu. Nó được đạt tên là Carolina Emperor (tạm dịch là Hoàng Đế Vùng Carolina) và nó đã trở thành viên đá emerald mài giác lớn nhất vùng Bắc Mỹ và đặt ra một mốc chuẩn kỷ lục mới về kích thước và chất lượng cho emerald Bắc Carolina.

Hình 12: Viên Carolina Emperor nặng 64,83 ct này là viên emerald mài giác lớn nhất Bắc Mỹ. Ảnh chụp bởi C. R. Beesley.

(Theo C. R. “Cap” Beesley (capbeesley@yahoo.com), Gemstone Standards Commission, thành phố New York trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)