Bản tin tháng 11/2013

Azurite Trong Đá Granitic Từ Pakistan

Ở Hội chợ Tucson năm 2011 và 2012, Warren Boyd (Công ty R. T. Boyd, Ontario, Canada) giới thiệu với tạp chí G&G một loại khoáng quý mới rất hấp dẫn từ vùng Skardu ở phía Bắc Pakistan. Vùng này nổi tiếng về khai thác các mẫu tourmaline, aquamarine, topaz và garnet với hình dạng kết tinh đẹp. Năm 2010, những người săn tìm quặng mỏ địa phương đã phát hiện ra một khoáng quý mới nằm trong một thung lũng hẻo lánh. Bấy giờ được thị trường mua bán đá gọi là Azurite giọt mưa, loại đá đặc biệt này chứa các đốm màu xanh nổi bậc, điềuu này tạo nên sự hấp dẫn cho các mẫu, các viên cabochon và các sản phẩm nghệ thuật (hình 1).

Hình 1: Azurite giọt mưa là đá granitic chứa azurite ở phía bắc Pakistan. Ở đây là 2 mảnh đá thô (404 và 87 g), các viên cabochon (8,80 – 61,55 ct) và một cái hộp (6 x 4 x 3 cm) được chế tác bởi Silverhorn of Santa Barbara, California. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Ông Boyd cho biết khoáng vật này được khai thác bằng các công cụ cầm tay đơn giản và các mẫu được vận chuyển bằng cách đi bộ hoặc sử dụng các đàn súc vật thồ đến đường gần nhất. Cho đến nay có ~4.000 kg đá thô được tích trữ và gần 600 viên được cắt mài và đánh bóng ở Shenzhen và Bangkok. Ông còn nói rằng khoáng vật này hoàn toàn không bị xử lý.

Phân tích Raman bằng thiết bị GarryDu Toit tại GIA ở Bangkok xác định các đốm màu xanh gồm azurite nằm trong nền đá plagioclase natri, thạch anh và muscovite.

(Theo Jan Iverson (jan.iverson@gia.edu), GIA, Carlsbad trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Aquamarine Từ Mavuco, Mozambique

Hình 2: Các viên aquamarine này là từ Mavuco, Mozambique. Viên đá hình oval chính giữa nặng 0,94 ct và những viên khác ~0,4 ct mỗi viên. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Các mỏ sa khoáng bồi tích ở Mavuco thuộc vùng quặng pegmatite Alto Ligonha nằm phía Bắc Mozambique nổi tiếng là nguồn cung cấp tourmaline chứa đồng (B. M. Laurs và nnk, “Tourmaline chứa đồng [kiểu Paráiba] từ Mozambique”, Spring 2008 G&G, trang 4 – 30). Trong chuyến thực địa năm 2008 ở vùng đặc quyền khai thác của Mozambique Gems, ông Brendan quan sát thấy granitic pegmatite giàu thạch anh nằm bên cạnh các mỏ tourmaline, tại đây còn có sự khai thác aquamarine một cách không thường xuyên vào những năm 1980 và 1990. Tháng 11 năm 2011 Mozambique Gems khai thác vùng quặng pegmatite này trong khoảng thời gian 2 tuần, để khai thác thêm aquamarine. Khoáng vật này (hình 2) được trưng bày ở Hội chợ mua bán đá quý và trang sức (GJX) bởi ông Saint-Clair Fonseca Junior (Mozambique Gems, Nampula, Mozambique và BC Gemas do Brazil, Governado Valadares, Brazil). Ông cho biết rằng thuốc nổ được dùng phá đá để khai thác aquamarine, chúng thường được gắn kết trong đá chủ thạch anh hơn là được thấy trong các ổ đá quý. Đã có ~300 kg aquamarine được khai thác, trong đó có 10 kg chất lượng quý. Khoảng 500 carat được mài giác có kích thước đo được lên đến 9 x 7 mm. Trong khoảng kích cỡ đó, những viên đá quý không xử lý này có được màu xanh thuần khiết khá bão hòa.

Ông Fonseca cũng còn có nhiều bộ trang sức đeo cổ gắn nhiều viên tourmaline chứa đồng được khai thác từ mỏ này trong năm vừa qua. Hầu hết khoáng vật này không xử lý và nó có khoảng dãy màu rộng giống với tourmaline được ghi nhận trong quyển G&G Spring 2008, như trên đã đề cập trong phần tham khảo thêm.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Emerald Mắt Mèo Từ Mỏ Belmont, Brazil

Emerald có hiệu ứng óng ánh trên bề mặt được biết từ nhiều thập kỷ qua (Fall 1982 Lab Notes, trang 169) nhưng vẫn còn chưa phổ biến. Trong những năm 1990, nhiều viên đá khai thác từ các mỏ emerald Santa Terezinha de Goiás ở Brazil (Gem News, Spring 1992, trang 60 và Spring 1995, trang 60 – 61). Hiện nay, một  lượng nhỏ emerald mắt mèo đến từ nguồn mỏ khác ở Brazil, đó là mỏ Belmont.

Hình 3: Emerald mắt mèo như những viên này (16,75 – 29,14 ct) được cắt mài từ khoáng thô, chúng được gọt giũa cẩn thận để tạo hiệu ứng óng ánh tại mỏ Belmont ở Brazil. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Ở hội chợ GJX, Marcelo Ribeiro Fernandes (Belmont, Itabira, Brazil) cho biết nhiều viên emerald mắt mèo hấp dẫn (hình 3) được cắt mài từ khoáng vật được khai thác từ tháng giêng năm 2010. Ông Ribeiro cho biết rằng khoáng vật thô từ mỏ của ông hiện đang được kiểm tra bởi các chuyên viên để xác định khoáng vật có hiệu ứng óng ánh. Ông ước lượng hàng năm có 100 g được tuyển lựa ra để cắt mài và thu được ~100 viên emerald mắt mèo. Mặc dù những viên cabochon được cắt mài có trọng lượng từ 1 đến 30 ct nhưng ông Ribeiro cho biết những viên đá nặng khoảng 5 ct là phổ biến nhất.

Đây là lần đầu tiên những viên emerald có hiệu ứng óng ánh trở thành mục tiêu đặc biệt tại Belmont trong qui trình phân loại đá thô và sáng kiến này sẽ làm tăng giá trị của khoáng vật hiếm này trong tương lai.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Opal Thông Thường Màu Tím Mới Được Khai ThácTừ Mexico

Hình 4: Các mẫu opal thông thường màu tím này được tạo màu bởi các bao thể fluorite. Các mẫu đá thô nặng 116 và 130 g, phía trước chúng là các viên cabochon nặng 13,98 và 15,24 ct. Ảnh chụp bởi C. D. Mengason.

Trong hội chợ đá quý Tucson, Tom Elliot thuộc công ty Opal Royale (Bozeman, Montana) có giới thiệu một số viên opal Mexico màu tím, màu này được tạo bởi các bao thể fluorite. Khoáng vật này trước đây, thỉnh thoảng cũng đã được biết đến (E. Fritsch và nnk, “Opal Mexico chất lượng quý – Cấu trúc nano và vi cấu trúc, nguồn gốc màu và so sánh về ý nghĩa ngọc học với các opal thông thường khác”, Australian Gemmologist, Vol. 21, No. 6, 2002, trang 230 – 233), gần đây khoáng vật này dạng thô được khai thác với lượng đáng kể để đưa vào thị trường. Khoáng vật này được bán với tên thương mại “Opal Royale – opal hoàng gia) và có xuất xứ từ miền trung Mexico. Loại opal Mecico màu tím tương tự cũng được bán ở Tucson với tên thương mại “Morado Opal” và tên thường gọi hơn là “Opal Mexico màu tím”.

Theo ông Elliot thì khoáng của vùng mỏ này có 2 loại cơ bản. Một loại màu tím lốm đốm và một loại màu trắng đến xám nhạt thường có trong các mạch, kiểu màu tím đậm hơn, đồng nhất hơn thường thấy trong các đá xâm nhập hạt thô ở dạng thể tù nằm bên trong đá chalcedony. Các mẫu của cả 2 loại (hình 4) đều đã được nghiên cứu bởi phòng giám định Carlsbad GIA. Mỗi loại chọn một viên dạng cabochon để nghiên cứu bằng các phương pháp kiểm tra ngọc học cơ bản. Cả 2 viên đều đo được chỉ số chiết suất điểm 1,44 và tỉ trọng thủy tĩnh 2,18. Các mẫu có phát quang màu lục rất yếu dưới chiếu xạ UV sóng dài và phát quang màu lục rất mạnh dưới chiếu xạ UV sóng ngắn cho thấy chúng có chứa các vi lượng uranium. Quan sát dưới kính hiển vi thấy dày đặc các tinh thể nhỏ, không đều và các lát mảnh khoáng màu tím (hình 5) được xác định là fluorite bằng phân tích Raman. Các bao thể fluorite dễ xác định hơn nhiều trong các mẫu đậm màu hơn. Thạch anh cũng được phát hiện có trong cả 2 viên cabochon.

Hình 5: Quan sát dưới kính hiển vi thấy các đốm tròn nhỏ fluorite màu tím trong opal Mexico với các mạch chalcedony (trái, phóng đại 60 lần). Các lát mảnh khoáng fluorite màu tím cũng được nhìn thấy (phải, phóng đại 40 lần). Ảnh chụp hiển vi bởi N. Renfro.

Người mua không nên lẫn lộn giữa opal không có hiện tượng này hay opal thông thường có màu tím được tạo màu một cách tự nhiên bởi các bao thể fluorite với opal ái nước màu tím tẩm màu có hiện tượng đốm màu nhấp nháy (N. Renfro và S. F. McClure, “Tẩm màu tím trên opal ái nước”, Winter 2011 G&G, trang 260-270).

(Theo Nathan Renfro (nrenfro@gia.edu), GIA, Carsbad trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Các Khoáng Vật Hiếm Được Dùng Trong Trang Sức

Các loại đá hiếm lâu nay rất được các nhà sưu tầm đá yêu thích, nhưng tại Hội chợ Tucson năm nay người ta còn thấy nhiều loại khoáng hiếm như smithsonite, cobaltite, pyrrhotite, nickeline, nuummite được mua chủ yếu với mục đích làm trang sức (hình 6). Tại hội chợ GJX, ông Mauro Pantò (The Beaty in Rocks, Pegugia, Italy) cho biết đã bán nhiều loại này cho các đơn vị chế tác trang sức.

Hình 6: Các đá hiếm được mua bởi đơn vị chế tác trang sức ở Tucson bao gồm, từ trái sang phải: smithsonite màu vàng (8,55 ct), cobaltite (13,36 ct), pyrrhotite (9,43 ct), nickeline (18,87 ct) và Nuummite (5,93 ct). Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Smithsonite màu vàng (ZnCO3), trước kia được khai thác ở Sardinia, giờ không còn nữa kể từ khi các mỏ Masua và Monteponi đóng cửa hơn 40 năm trước. Khoáng có chất lượng đẹp có độ trong mờ và có màu vàng đậm đều. Ông Pantò đã cắt mài ~ 1.000 cts đúng tiêu chuẩn và các dạng cắt mài đẹp hầu hết có trọng lượng 1 – 10 ct. Ông nói thật khó để có được khoáng có chất lượng tốt; toàn bộ số hàng của ông đều có được từ việc sưu tầm xưa kia.

Cobaltite (CoAsS) từ thị trấn Canadian thuộc Cobalt, Ontario, là một quặng của cobalt với ánh kim loại bạc quyến rũ. Vài trăm carat hiện có ở các dạng cắt mài đẹp, trọng lượng thường gặp là từ 8 đến 15 ct.

Dù không phải là khoáng vật đặc biệt hiếm trong tự nhiên nhưng pyrrhotite (một sulfide sắt) hiếm khi được mài giác, có lẽ do độ cứng của nó thấp (độ cứng Mohs: 31/2 – 41/2). Ông Pantò có vài trăm carat đá pyrrhotite từ Mexico có trọng lượng từ 3 đến 10 ct.

Nickeline (NiAs) mà ông Pantò có được là từ vùng Cobalt, Canada. Ông khuyên rằng khi gắn nó phải thật cẩn thận, vì thế từ trước giờ chỉ có một ít viên được dùng trong trang sức. Ở Châu Âu nó còn được biết với tên niccolite, trước đây nó được gọi là Kupfernickel hay nikel đồng, bởi vì những thợ mỏ ở Đức, những người đầu tiên thấy khoáng kim loại màu đồng đỏ, điều này làm tin chắc rằng nó là quặng giàu đồng.

Nuummite (orthoamphibole óng ánh nhiều màu) thường thấy trên thị trường là các viên đá lăn tròn hay cabochon. Đây là lần đầu tiên ông Pantò đặt mài giác viên Nuummite, khoáng được khai thác từ mỏ Greenland chất lượng cao (P. W. Uitterdijk Appel và A. Jensen, “Một khoáng quý mới từ Greenland: Orthoamphibole óng ánh nhiều màu”, Spring 1987 G&G, trang 36 – 42). Viên Nuummite mài giác tương tự cũng được biết từ Mauritania (xem Fall 2011 Gem News International [GNI], trang 242 – 243). Ông Pantò đã cho cắt mài được vài trăm carat, có trọng lượng từ 3-6 ct.

(Theo Jan Iverson trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Scapolite Sử Dụng Làm Mỹ Nghệ, Trang Sức: Mỏ Đá Mới Ở Peru

Hình 7: Một sườn núi gần Tambo Colorado, Peru là nguồn đá dùng làm đồ trang trí, mỹ nghệ mới được biết với tên là Rosalina, ảnh chụp bởi J. Hyrsl.

Đá làm mỹ nghệ, trang sức màu trắng với các đốm màu đỏ được biết ở 2 loại: “đá máu gà” từ Trung Quốc và “myrickite” từ Bắc California và vài nơi khác. Khoáng vật này trước kia được biết là sự pha trộn giữa khoáng vật sét và thạch anh, màu của chúng là do sự có mặt của cinnabar – thần sa: có dạng tinh thể hình kim màu đỏ, long lanh hoặc dạng khối màu đỏ, nâu nhạt hoặc xám (W. Fuquan và G. Jingfeng, “Đá máu gà từ Trung Quốc”, Fall 1989 G&G, trang 168 – 170), sau này chúng còn được biết là loại đá mang cinnabar bị silic hóa. Một loại đá mới dùng làm mỹ nghệ, trang sức từ Peru, được biết với tên gọi Rosalinda có vẻ ngoài tương tự như thế nhưng thành phần khá khác biệt.

Mẫu đầu tiên được khai thác vào tháng 9 năm 2011 từ một ngọn núi (hình 7) bên cạnh di tích khảo cổ Tambo Colorado, một công trình quân sự của người Inca nằm cách Pisco khoảng 40 km về phía đông, dọc theo đường chính từ bờ biển đến Ayacucho. Phần lộ thiên trải rộng một vùng khoảng 20 x 10 m, còn giữ được khá nguyên trạng, các tảng đá có chiều rộng lên đến 50 cm đã được tìm thấy. Đá có màu trắng với các đốm màu hồng đến đỏ dạng không đều, chúng thường có bề rộng vài mm, hiếm khi có bề ngang đo được vài cm.

Phân tích XRD trên khoáng vật màu trắng xác định đó là marialite, một loại có thành phần giàu Ca và Cl thuộc nhóm scapolite. Scapolite thường có các hạt mịn, thỉnh thoảng tạo thành các kim dài rải rác trong calcite màu trắng. Các đốm màu đỏ, cũng được xác định bằng XRD, là một khoáng trong dãy thành tạo khoáng vật từ epidot đến piemontite, gần như chắc chắn đó là epidote giàu Mn. Xem dưới kính phóng đại nhỏ, một số mẫu cũng có một số hạt grossular màu vàng nhỏ (lớn nhất khoảng 1 mm).

Hình 8: Các mẫu Rosalinda bên trái gồm các viên cabochon dài đến 4 cm và các hạt có đường kính đến 8 mm. Tượng con voi Rosalinda bên phải có bề ngang 20 cm. Bộ sưu tập của Ramos Minerals; ảnh chụp bởi J. Hyrsl.

Kiểm tra về ngọc học trên 7 viên cabochon thu được các đặc điểm sau: chiết suất của scapolite ¾ 1,54, tỉ trọng SG của đá ¾ 2,50–2,59 và độ cứng Mohs ¾ 6. Phát quang UV trên khoáng scapolite thì đặc biệt và khá hữu dụng để phân biệt khoáng này với các đá có hình dạng tương tự: nó phát quang màu cam đến đỏ (sóng ngắn) hay màu trắng (sóng dài). Epidote giàu Mn màu đỏ thuần khiết từ cùng địa phương có: chiết suất RI ¾ >1,78, tỉ trọng SG ¾ 3,15–3,20, độ cứng Mohs ¾ 5–6 và không phản ứng dưới chiếu xạ cực tím.

Cuối năm 2011, hơn 20 tấn đá được chuẩn bị để xuất khẩu. Khoáng vật này được mài dạng cabochon, dạng hạt hoặc đặc biệt hơn là khắc tượng (hình 8), một số tượng khá lớn. Tại hội chợ Tucson 2012, nó được bày bán ở khách sạn Tucson City Center với tên gọi là Rosalinda bởi công ty Ramos Minerals, một công ty thương mại có trụ sở chính ở Lima. Họ có hàng trăm viên cabochon với nhiều kích cỡ khác nhau; khoáng vật này còn đang được tiếp tục đánh bóng tại Lima.

(Theo Jaroslav Hyrsl (hyrsl@hotmail.com), Prague, Cộng Hòa Séc trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

Vlasovite Từ Quebec

Tại hội chợ GJX, Bradley Wilson (Coast to Coast Rare Stones International, Kingston, Ontario) trưng bày gần 3 tá mẫu khoáng hiếm vlasovite, mài giác (Na2ZrSi4O11; hình 9). Khoáng màu vàng phớt lục được khai thác vào tháng 9 năm 2008 ở Sheffield Lake, gần Témiscaming ở Quebec, Canada, ở đó nó hiện diện cùng với nhiều khoáng vật eudialyte – một khoáng vật màu hồng nhạt đến đỏ–nâu nhạt. Đá thô có màu đồng nhất và những viên nhỏ thì trong suốt. Hơn một nửa mẫu cắt mài mà ông trưng bày có trọng lượng từ 0,10 đến 0,30 ct và viên lớn nhất là 0,53 ct. Dù vlasovite mài giác thỉnh thoảng vẫn được nhìn thấy trong các bộ sưu tập đá hiếm nhưng quầy của ông Wilson ở hội chợ Tucson năm nay có kích cỡ lớn hơn nhiều những viên đã thấy trước đây.

Hình 9: Các viên đá vlasovite hiếm này (0,42 và 0,53 ct) là từ Seffield ở phía tây nam Quebec. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Được phát hiện năm 1961 ở phía Bắc nước Nga, vlasovite được khai thác một cách định kỳ tại khu vực Sheffield Lake. Một mẫu 0,27 ct từ khu vực gần Kipawa River ở phía Tây Nam Quebec được ghi nhận trong quyển Winter 1993, phần Gem News (trang 287 – 288)

(Theo Stuart D. Overlin (Soverlin@gia.edu), GIA, Carlsbad trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)

 

“Opal Sterling” Lần Đầu Tiên Được Giới Thiệu

Tại Hội chợ đá quý và khoáng vật Pueblo, Sterling Foutz (Sterling Opal, Tempe, Arizona) trưng bày nhiều sản phẩm mới về loại opal nhân tạo bị thấm nhiễm màu. Khoáng vật này được phát triển bởi James E. Zachery, một kỹ sư điện, ông cũng là người sáng chế ra qui trình Zachery xử lý turquoise (xem quyển G&G Spring 1999, trang 4 – 16). Opal nhân tạo chất lượng quý này được hình thành hoàn toàn ngẫu nhiên, thực chất nó là một sản phẩm ngoài ý muốn trong quá trình 22 năm nghiên cứu việc sản xuất các hạt nano cho các ứng dụng y khoa. Quá trình này sản sinh ra các lớp màu trắng sữa giống opal sau đó được cố định bằng cách thấm, ngấm với một loại nhựa đặc biệt có chỉ số chiết suất tương đồng với opal nhân tạo. Với tên thương mại là “opal Sterling”, khoáng vật này được giới thiệu là loại đẹp với nhiều họa tiết đốm màu nhấp nháy và màu gốc là từ trắng đến xanh vừa (hình 10).

Hình 10: “Opal Sterling” có đặc điểm nhiều đốm màu nhấp nháy, với phần màu chính từ trắng đến xanh vừa. Các viên cabochon trong hình nặng từ 1,95 – 17,55 ct và mẫu đá thô (phía trên, bên phải) nặng 22,1 g. Ảnh chụp bởi Jeff Scovil.

Ông Foutz cho biết rằng sản phẩm này có độ cứng tương đương với turquoise xử lý Zachery và hiện tại công ty ông sản xuất được khoảng 18 kg mỗi tuần. Khoáng vật thô này được tổng hợp trong các ô kích thước 2 x 2 inch (5 x 5 cm), trọng lượng khoảng 20 – 30 g mỗi ô. Các ô này được lạng phân nửa dọc theo chỗ mỏng nhất và bề mặt xẻ của mỗi bên được đánh bóng với nhiều hình dạng khác nhau. Các ô này được chào bán tại hội chợ Tucson, cùng với khoảng 3.000 viên dạng cabochon được cắt mài từ 2 – 3 kg khoáng vật thô. Hầu hết các viên cabochon có kích thước từ 7 x 5 mm đến 25 x 18 mm (dạng oval) và 10 – 25 mm (dạng vuông). Ngoài ra còn có một số viên dạng dán hai lớp với lớp nền màu đen nhầm làm nổi bật hiệu ứng đốm màu nhấp nháy, cũng như các hạt cabochon được gọi là “opal Picasso” với đặc điểm giống như tranh ghép từ các mảnh opal nhân tạo được dán bằng nhựa lên phần vật liệu “nền”. Các viên cabochon dạng tranh ghép này được xử lý để làm sậm màu phần “nền”.

Kiểm tra ngọc học sơ bộ trên một phiến đá được đánh bóng và một viên “opal Sterling” dạng cabochon (không dùng các viên dạng dán 2 lớp hoặc các dạng opal ghép tranh Picasso) tại phòng giám định GIA thu được chỉ số chiết suất RI: 1,465 và 1467 và tỉ trọng SG: 1,72 và 1,74, theo thứ tự. Các giá trị này đều nằm trong phạm vi chỉ số của loại opal thấm, ngấm – tự nhiên hoặc nhân tạo – do đó phải hết sức cẩn trọng để xác định chính xác khoáng vật này. Trong tương lai sẽ có thêm nhiều thông tin hơn nữa về loại khoáng chất này được đăng trên tạp chí G&G.

(Theo Brendan M. Laurs, Shane F. McClure, GIG, Carlsbad trong Gem News International, quyển G&G Spring 2012)