Bản tin tháng 04/2020 (tiếp theo)

Agate “Condor” Từ Argentina

 

Hình 7: Lõi của một loại agate “condor” có chứa các cụm bán cầu mờ ảo, chalcedony màu trắng. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Tyler Smith; trường quan sát 14,52 mm.

Các loại agate “condor” từ vùng Mendoza của Argentina được các nhà sưu tập săn lùng vì màu sắc rực rỡ và dãy màu sắc nét. Loại agate này được đặt theo tên của vùng trung tâm Andes đầy bí ẩn, nơi được xem là quê hương của loại đá này. Mới đây, một viên đá agate loại này (hình 7) đã được kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử. Nó cho thấy có các dãy màu cam và vàng đậm, có khả năng màu này được tạo ra bởi sự tập trung cao hematitic và limonitic. Các dãy màu này kết thúc đột ngột tại một vùng ranh giới là khoáng vật màu xám mờ đục, chúng tạo ra vùng lõi khác biệt với phần bao quanh. Chứa trong vùng “hồ – lõi trung tâm” này là các kết hạch dạng trứng cá mờ ảo, một trong số chúng bao bọc lấy các hạt hematite nằm bên trong nó. Chalcedony tồn tại ở nhiều chủng loại, với nhiều lựa chọn đa dạng đầy mê hoặc và là một mẫu đá tạo nguồn cảm hứng liên tục cho các nhà sưu tầm cũng như các nhà nghiên cứu.

(Theo Tyler Smith, phần Micro-World quyển G&G Spring 2019)

 

Bao Thể Đồng Tự Nhiên Trong Chalcedony Tím Từ Indonesia

 

Hình 8: Chalcedony màu tím từ Indonesia này có chứa bao thể đồng thú vị. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Nathan Renfro; trường quan sát 5,74 mm.

Là một khoáng vật quý, chalcedony có thể chứa một loạt các cấu trúc và các bao thể khoáng vật thú vị. Điều này đặc biệt rõ ràng trong một mẫu đá mà gần đây nhóm tác giả được kiểm tra. Được mua bởi Stephen Challener (tác giả bài viết) từ nhà buôn đá quý John Garsow (John E. Garsow Gems & Minerals, Murrieta, California), loại đá chalcedony màu tím rực rỡ được cho là từ Indonesia này có chứa một số cụm nhỏ, có vẻ là đồng tự nhiên (hình 8). Sự nghi ngờ này đã được xác nhận bằng việc kiểm tra bằng phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF). Mặc dù nguồn gốc của màu tím thì chưa được xác định rõ ràng, nhưng chắc chắn nó không liên quan đến đồng. Trong các khu vực màu tím thì không có bao thể đồng, phổ EDXRF không phát hiện thấy đồng. Các tác giả đã phát hiện nó có chứa sắt, có thể liên quan đến màu tím.

Mặc dù, trước đây các bao thể đồng tự nhiên đã được ghi nhận là có trong chalcedony (B.M. Laurs và N.D. Renfro, “Chrysocolla chalcedony chứa các bao thể đồng tự nhiên”, Journal of Gemmology – Tạp chí đá quý, Vol. 36, No. 2, 2018, trang 92), nhưng đây là lần đầu tiên các tác giả được giám định chalcedony màu tím từ Indonesia có chứa các bao thể đồng tự nhiên.

(Theo Nathan Renfro and Stephen Challener, phần Micro-World quyển G&G Spring 2019)

 

Bao Thể Grandidierite Trong Sapphire

 

Hình 9: Các bao thể khoáng vật dạng hình que của grandidierite đã được nhìn thấy trong viên sapphire này tại phòng giám định GIA ở Carlsbad. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Nathan Renfro; trường quan sát 2,61 mm.

Gần đây, các tác giả đã phát hiện một bao thể chưa được ghi nhận trước đây trong sapphire. Cả hai viên đá đều chứa các tinh thể không màu được phân tích Raman xác định là khoáng vật grandidierite. Một viên sapphire được tác giả Maxwell Hain kiểm tra tại Carlsbad, California, có chứa các bao thể không màu, dạng hình que (hình 9). Một viên sapphire khác được tác giả E. Billie Hughes (EBH) tại Bangkok kiểm tra có chứa một tinh thể không màu phát triển kéo dài chạm tới bề mặt của viên sapphire chủ và nó có ánh mờ đục hơn trong ánh sáng phản xạ và màu giao thoa lưỡng chiết khi được kiểm tra bằng ánh sáng phân cực vuông góc (hình 10). Cả hai quan sát đều phù hợp với những gì được ghi nhận là của khoáng vật grandidierite.

Grandidierite, được đặt theo tên của nhà tự nhiên học người Pháp Alfred Grandidier (1836 – 1921), là một aluminous borosilicate Mg-Fe hệ trực giao cực kỳ hiếm với công thức (Mg,Fe)Al3(BO3)(SiO4)O2. Khoáng vật được mô tả là màu lục phớt xanh đến xanh phớt lục; màu xanh tăng theo hàm lượng Fe. Nó trong suốt đến trong mờ với màu vàng rất nhạt đến không màu, xanh phớt lục và xanh với nhiều cường độ. Kể từ khi được phát hiện, grandidierite đã được tìm thấy như một khoáng vật phụ quý hiếm trong đá aluminous pegmatite giàu boron; trong aplite, gneiss, và đá kết tinh cộng sinh với charnockite; và trong đá chịu sự biến chất cục bộ ở nhiệt độ cao, áp suất thấp (aureole và xenolith tiếp xúc).

 

Hình 10: Một tinh thể grandidierite không màu được nhìn thấy trong một viên sapphire được tác giả EBH kiểm tra tại Lotus Gemology ở Bangkok (trái). Trong ánh sáng phản xạ, bao thể grandidierite có ánh mờ hơn so với sapphire chủ (ở giữa) và ánh sáng phân cực vuông góc cho thấy màu giao thoa lưỡng chiết (phải). Ảnh chụp dưới kính hiển vi của E. Billie Hughes; trường quan sát 1,7 mm.

Theo sự hiểu biết của tác giả thì đây là những quan sát đầu tiên về grandidierite ở dạng là một bao thể trong sapphire. (Theo Maxwell Hain, GIA, Carlsbad và E. Billie Hughes, Lotus Gemology, Bangkok, phần Micro-World, quyển G&G Spring 2019)

 

Ruby Dạng “Căm Xe” Từ Mỏ Batakundi, Kashmir

Gần đây, tác giả đã kiểm tra một viên ruby mài giác, hình oval trong suốt có trọng lượng 5,26 ct cho thấy hình ảnh sáu tia bố trí đẹp mắt dưới mặt bàn viên đá. Phân tích hóa học và quan sát ngọc học về các đặc điểm bên trong đã xác định nguồn gốc của loại đá này thuộc vùng mỏ Batakundi của Kashmir.

Sáu tia này được định hướng vuông góc với các cạnh của cấu trúc tăng trưởng hình lục giác của viên đá (hình 11). Mỗi cánh bao gồm vô số hạt nhỏ nằm xen kẻ với các bao thể dạng hình kim và màng mỏng nhỏ. Trung tâm của hình ngôi sao chứa một tập hợp các bao thể khoáng vật không màu và đen được xác định bởi quang phổ Raman là feldspar và graphite – than chì. Gần phần lõi, hai tinh thể màu đen với ánh mạnh được xác định bởi quang phổ Raman là rutile. Chúng cũng được nối kết với một chuỗi các hạt mịn trải ra để tạo thành hình ảnh đuôi sao chổi.

Hình ảnh của viên ruby từ mỏ Batakundi này giống với viên sapphire dạng “căm xe” từ Tasmania (Winter 2016 GNI, trang 430 – 431). Các khoáng vật có dạng “căm xe” thì khá khác biệt so với các viên ruby “căm xe” thật sự, loại có sáu cánh chạy từ lõi đến sáu góc của cấu trúc tăng trưởng hình lục giác và cho thấy ranh giới rõ ràng của sáu phần tinh thể. Nổi tiếng nhất về ruby “căm xe” thực sự có thể được tìm thấy ở một số khu vực nhất định như Mong Hsu, Myanmar (G. Giuliani và I. Pignatelli, ““Trapiche” vs  “trapiche-like” textures in minerals – so sánh cấu trúc “căm xe” thực sự và dạng “căm xe trong khoáng vật”, InColor, Vol. 31, 2016, trang 45 – 46).

 

Hình 11: Mỗi nhánh của cấu trúc giống như “căm xe” trong viên ruby này từ mỏ Batakundi ở Kashmir được xếp vuông góc với sọc tăng trưởng của hình lục giác. Trung tâm của dạng hình sao có một tập hợp hình lục giác gồm các tinh thể feldpar không màu và tiểu cầu graphite màu đen. Các tinh thể rutile đen kết hợp với đuôi sao chổi được nhìn thấy gần lõi của hình ảnh dạng “căm xe”. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Patcharee Wongrawang; trường quan sát 4,80 mm.

Mặc dù, các mẫu đá corundum dạng “căm xe” không phải là chưa từng thấy, nhưng thật đặc biệt khi thấy chúng phát triển hoàn hảo như thế này trong ruby chất lượng cao. Viên ruby dạng “căm xe” này từ vùng mỏ Batakundi cho thấy hình ảnh bao thể tuyệt đẹp ở dạng ngôi sao sáu tia bố trí đẹp mắt trên nền màu nổi bậc và trong suốt.

(Theo Patcharee Wongrawang, phần Micro-World, quyển G&G Spring 2019)