Bản tin tháng 02/2019 (tiếp theo)

Vòng Bằng Thủy Tinh Tổng Hợp

Hình 6: Chiếc vòng trắng, trong mờ, nặng 343,94 ct (trái) và chiếc vòng trong mờ, có các đốm màu lục và xám phớt tím, nặng 355,52 ct (phải) được chạm khắc từ thủy tinh nhân tạo. Ảnh của Robison McMurtry.

Gần đây, phòng giám định GIA ở Carlsbad đã nhận được hai vòng đeo tay để giám định: một chiếc vòng màu trắng, trong mờ, nặng 343,94 ct và một chiếc vòng trong mờ có các đốm màu lục và xám phớt tím, nặng 355,52 ct (hình 6). Chiếc vòng màu trắng có thể dễ dàng được dự đoán là nephrite do màu sắc và độ mờ đục của nó. Nhưng chỉ số chiết suất của nó (RI) khoảng 1,500 đã loại bỏ khả năng nó là nephrite (có RI là 1,62). Quan sát thêm cho thấy nó có màu đồng đều và không có bao thể tạp chất tự nhiên. Bong bóng khí với nhiều kích thước khác nhau có thể được nhìn thấy ngay bên dưới bề mặt (hình 7). Chỉ số chiết suất RI kết hợp với bong bóng khí cho thấy chiếc vòng này là một sản phẩm được con người tạo ra.

Hình 7: Một bong bóng khí dạng kéo dài nhìn thấy bên dưới bề mặt của chiếc vòng màu trắng. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Nicole Ahline; trường quan sát 3,57 mm.

Còn chiếc vòng có đốm màu lục và xám phớt tím thì có màu rất giống với jadeite. Chỉ số chiết suất RI là 1,610, thay vì có chỉ số RI điển hình của cẩm thạch phải là 1,66, cho thấy rằng mẫu vật này cũng không hoàn toàn như suy luận từ vẻ bề ngoài của nó. Bong bóng khí được xác định trên khắp chiếc vòng (hình 8), xác nhận thêm rằng đây là sản phẩm được con người sản xuất. Các chuỗi bong bóng khí được quan sát mà không cần phóng đại, sự sắp xếp này có thể dễ dàng gây nhầm lẫn với cấu trúc jadeite tự nhiên (hình 9).

Hình 8: Bong bóng khí có kích thước khác nhau có thể dễ dàng nhìn thấy ở khắp chiếc vòng có đốm màu lục và xám phớt tím. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Nicole Ahline; trường quan sát 3,57 mm.

Những quan sát và các đặc điểm ngọc học này đã xác định những chiếc vòng này là thủy tinh nhân tạo chứ không phải nephrite và jadeite giống như vẻ ngoài dễ nhầm lẫn của chúng. Nephrite và jadeite có một lịch sử văn hóa phong phú, nên việc các dạng nhái/mô phỏng chúng xuất hiện trên thị trường là rất phổ biến. Những món đồ như thế này cho thấy sự cần thiết phải luôn thận trọng khi mua trang sức, cũng như tầm quan trọng của việc cần được giám định, chứng nhận tại các phòng giám định có uy tín.

Hình 9: Các cụm bong bóng khí có cấu trúc dạng sợi trong chiếc vòng có đốm màu lục và xám phớt tím. Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Nicole Ahline; trường quan sát 3,57 mm.

(Lược dịch theo Nicole Ahline, trong Lab Notes, quyển G&G Spring 2019)


Parisite Mài Giác Hiếm Gặp

Gần đây, phòng giám định GIA ở Carlsbad đã nhận được một viên đá hình giọt giác cưc rực rỡ màu cam phớt, trong suốt, nặng 1,33 ct để làm giám định (hình 10). Các kiểm tra ngọc học cơ bản cho thấy chỉ số chiết suất từ 1,670 – 1,750 với độ lưỡng chiết 0,080 và tỉ trọng (thu được bằng cách cân thủy tĩnh) là 4,40. Không có phản ứng phát huỳnh quang nào được quan sát thấy khi cho viên đá tiếp xúc với tia UV sóng dài hoặc sóng ngắn. Đá cũng có khúc xạ kép khi được kiểm tra với ánh sáng phân cực.

Kiểm tra bằng kính hiển vi ngọc học với đèn sợi quang cho thấy hiện tượng nhân đôi cạnh giác (doubling) mạnh, bao thể dạng dấu vân tay với hai pha lỏng và khí bị giam giữ và các bao thể tinh thể. Phổ Raman và quang phổ giữa hồng ngoại (IR) có thể kết luận rằng viên đá là parisite-Ce. Phổ Raman hiển thị dãy dao động mạnh nhất ở 1083 cm-1 và các đỉnh tiếp theo ở 1740, 1567, 1431, 741, 398 và 269 cm-1, các đỉnh hấp thu giúp xác định rõ đây là khoáng parisite. Phổ giữa hồng ngoại cho thấy các khu vực hấp thụ nguyên tố đất hiếm (REE). Phân tích huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) đã phát hiện ra nguyên tố Ce, La và Ca, hỗ trợ thêm cho kết luận trên.

Hình 10: Viên đá mài dạng giọt giác cúc rực rỡ màu cam phớt nâu, nặng 1,33 ct này là viên parisite mài giác đầu tiên mà GIA được kiểm tra. Ảnh của Robison McMurtry.

Parisite là một trong những khoáng vật carbonite đất hiếm được tìm thấy trong nhóm bastnäsite, với công thức hóa học là Ca(Ce, La, Nd)2(CO3)3F2. Các tinh thể parisite được tìm thấy trong đá carbonatite, đá granite pegmatite, syenite kiềm và trầm tích nhiệt dịch liên quan đến các môi trường này. Thông thường các tinh thể parisite quá nhỏ và nhiều tạp chất dạng mây để có thể sử dụng ở dạng đá quý. Chúng thường được tìm thấy dưới dạng bao thể khoáng vật trong emerald từ mỏ Muzo ở Colombia và trong thạch anh từ núi Zagi, Pakistan. Đây là lần đầu tiên một viên parisite mài giác chất lượng quý được GIA kiểm tra. 

(Theo Maxwell Hain, phần Lab notes, quyển G&G Spring 2019)


Bao Thể Nhiều Pha Chứa “Bong Bóng Khí Lồng Đôi”

Trong Beryl

Beryl thường lưu giữ các bao thể nhiều pha bao gồm tất cả các kết hợp có thể xảy ra giữa các bao thể rắn, lỏng hoặc khí. Những tàn dư của môi trường tăng trưởng biến thành vật chất bị mắc kẹt trong các tinh thể âm trong quá trình hình thành. Chất lưu bị giữ lại như một chất lỏng đồng nhất sau đó tách thành các pha thành phần trong quá trình nguội lạnh. Các bao thể ba pha có riềm lởm chởm không đều thường thấy trong emerald Colombia có lẽ là các bao thể nhiều pha đặc trưng nhất trong beryl.

Hình 11: Tinh thể beryl dạng thô màu lục rất nhạt, nặng 64,10 ct chứa các bao thể nhiều pha đáng chú ý. Ảnh của Robison McMurtry.

Một viên đá beryl dạng thô màu lục rất nhạt, nặng 64,10 ct được L. Allen Brown (All That Glitters, Methuen, Massachusetts) gửi đến phòng giám định GIA, nó có chứa rất nhiều tinh thể âm ba pha hình lăng trụ với một loạt bong bóng khí đáng chú ý, một số trong đó có chứa tinh thể con cực kỳ nhỏ và một ít dung dịch nước (hình 11). Ở nhiệt độ phòng, các pha khí không cân bằng với nhau, điều này đã tạo ra sự xuất hiện của “bong bóng khí lồng đôi”: một bong bóng khí thứ hai nằm trong bong bóng khí lớn hơn. Trong khoảng một phút, nhiệt độ tăng nhẹ của kính hiển vi cũng làm ấm bong bóng khí nhỏ hơn đủ để làm đồng nhất hoàn toàn với bong bóng lớn hơn để chỉ còn lại duy nhất một bong bóng khí (hình 12).

Hình 12: Loạt ảnh về sự bao thể nhiều pha hình lăng trụ cho thấy một “bong bóng khí lồng đôi” – thể khí bên trong thể khí ở nhiệt độ phòng (trái). Bong bóng nhỏ hơn co lại khoảng một nửa sau khoảng 45 giây tiếp xúc với buồng ánh sáng của kính hiển vi ngọc học (ở giữa) và hoàn toàn đồng nhất sau khoảng một phút (phải). Ảnh chụp dưới kính hiển vi của Hollie McBride; trường quan sát 2,34 mm.

 (Lược dịch theo Tyler Smith, phần Micro-World, quyển G&G Spring 2019)