Bản tin tháng 02/2015

Đá Moonstone Cầu Vồng Từ Zambia

Hình1: Những viên đá moonstone cầu vồng này được ghi nhận là từ Zambia; viên lớn nhất nặng 2,82 ct. Quà tặng của Scott Davies; bộ sưu tập GIA với số hiệu No. 38521 đến 38523. Ảnh của Robert Weldon.

Trong hội chợ đá quý ở Tucson năm 2012, Scott Davies (American-Thai Trading, Bangkok) đã trưng bày một số viên đá moonstone (đá mặt trăng) cầu vồng trong suốt mới được khai thác ở Zambia (hình 1). Kể từ lần đầu tiên nhìn thấy vật liệu thô vào tháng 8 năm 2011, ông Davies đã cắt mài khoảng 1.000 carat loại đá này, ở cả hai dạng mài giác và cabochon. Mặc dù những viên đá moonstone cabochon kích cỡ lớn có thể rất sặc sỡ, nhưng những viên đá mài giác không chứa tạp chất (sạch) thì lại được khách hàng yêu cầu nhiều hơn. Viên đá mài giác lớn nhất mà ông cắt mài nặng 2,65 ct, và thật sự là khó để có thể lựa chọn cắt mài được những viên đá “sạch” mà có trọng lượng lớn hơn 1 ct. Ông Davies đã tặng tám mẫu vật cho GIA, bao gồm bốn mẫu dạng cabochon từ 2,08 đến 4,24 ct, ba mẫu mài giác có trọng lượng 0,61 – 0,71 ct và một mẫu mài giác một mặt nặng 8,33 ct.

Nghiên cứu ngọc học tám viên đá đã cho các đặc điểm sau: màu sắc — gần như không màu với ánh hơi xanh mạnh, cam, vàng, lục, tím và hồng; chỉ số chiết suất RI — 1,55 (chiết suất điểm) cho các viên cabochon và 1,554 – 1,560 cho các mẫu mài giác; tỉ trọng thủy tĩnh SG — 2,66 – 2,70; và huỳnh quang — trơ đến yếu dưới chiếu xạ cực tím UV sóng dài và có màu đỏ yếu dưới sóng ngắn. Các phân tích huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) cho thấy lượng lớn Al, Si và Ca và một lượng rất nhỏ Na, Cr, Fe, Ga và Sr. Các đặc điểm này thường phù hợp với plagioclase (M. O'- Donoghue, Ed., Gems, tái bản lần thứ 6, Butterworth-Heinemann, Oxford, UK, 2006, trang 238 – 258). Phân tích hóa LA-ICP-MS của mẫu mài giác đã cho phạm vi thành phần của Ab45,9–51,5An53,0–47,3Or1,2–1,2 (được biểu thị bằng mol.% albite:anorthite:orthoclase), điều này chứng tỏ nó nằm gần ranh giới giữa khoáng vật andesine và labradorite trong chuỗi kết tinh của plagioclase.

Hình 2: Các bao thể dạng dây ruy băng với các cạnh lởm chởm sắp xếp song song được định hướng theo không gian dọc theo các mặt song tinh có màu óng ánh theo các hướng nhất định (trái, 45 lần). Các bao thể actinolite màu lục sậm (phải, 90 lần) đã được nhìn thấy trong một mẫu. Ảnh chụp dưới kính của K. S. Moe.

Kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có song tinh đa hợp — thường thấy trong plagioclase — có trong tất cả các mẫu. Các bao thể dạng dây ruy băng với các cạnh lởm chởm sắp xếp song song được định hướng theo không gian dọc theo các mặt song tinh (xem hình 2, bên trái). Những bao thể dạng ruy băng này có sự óng ánh màu lục hoặc màu xanh đậm khi quan sát theo một số hướng nhất định nào đó. Có một mẫu chứa hai bao thể tinh thể màu lục sậm được xác định bởi quang phổ Raman là actinolite (xem hình 2, bên phải).

Hình 3: Hiệu ứng cầu vồng được nhìn thấy rõ nhất khi nhìn song song với các mặt song tinh đa hợp (trái, 15 lần). Các dãy màu xanh sắc nét, mỏng (giữa, 50 lần) và các dãy màu xanh mờ, dày (phải, 60 lần) được quan sát từ các hướng quan sát khác nhau dưới ánh sáng sợi quang. Ảnh chụp dưới kính của W. L. Win.

Hiệu ứng ánh trăng của đá moonstone cầu vồng được nhìn thấy rõ nhất khi quan sát song song với các mặt song tinh đa hợp (hình 3, bên trái). Ngoài ra, ánh sáng thị trường tối cho thấy rõ các dãy sắc nét, hẹp màu xanh ánh trăng mờ ảo – sắp xếp song song với các mặt song tinh đa hợp (hình 3, giữa). Những dãy này được tạo thành từ các màng mỏng chứa nhiều hạt mịn. Khi hướng nhìn được dịch chuyển, các phần dày hơn giữa các mặt song tinh đa hợp có màu xanh ánh trăng mờ nhạt (hình 3, bên phải). Sự phát ánh sáng màu xanh ánh trăng trong các lớp dày hơn này rõ ràng là do sự phản chiếu ánh sáng giữa các màng mỏng chứa nhiều hạt mịn.

(Theo Wai L. Win (wwin@gia.edu) và Kyaw Soe Moe, GIA, New York, phần Gem News International, quyển G&G Summer 2012)

 

Morganite Từ Ethiopia

Tại triển lãm đá quý Tucson năm 2012, Hussain Rezayee (Rare Gems & Minerals, Beverly Hills, California) đã giới thiệu tới GIA một số mẫu morganite mài giác (hình 4), được khai thác gần thị trấn Shakiso ở miền Nam Ethiopia. Những viên đá này có màu từ hồng nhạt đến hồng phớt cam; và trong đó hai viên hình oval lớn nặng 146,58 và 110,65 ct. Chín viên morganite đã được chọn để kiểm tra tại GIA dựa trên các đặc điểm bên trong của chúng và ông Rezayee đã hào phóng tặng chúng cho Bộ sưu tập của GIA.

Hình 4: Các viên morganite này được khai thác gần thị trấn Shakiso ở miền Nam Ethiopia. Hai viên hình oval lớn nặng 146,58 và 110,65 ct, và hình oval nhỏ ở phía bên phải là 3,60 ct. Ảnh của Robert Weldon.

Các mẫu có trọng lượng từ 1,10 – 7,75 ct, có chỉ số chiết suất điểm RIs là 1,585 – 1,600, giá trị tỉ trọng thủy tĩnh SG là 2,73 – 2,80 và trơ dưới bức xạ UV sóng ngắn và sóng ngắn. Kiểm tra dưới kính hiển vi ngọc học thấy các bao thể hai pha lỏng điển hình của morganite, cùng với một vài tinh thể rắn và tinh thể âm. Phân tích Raman đã xác định các tinh thể rắn trong mẫu vật nặng 2,65 ct (hình 5) là mica và plagioclase (có song tinh đa hợp). Bao thể lỏng với nhiều hình dạng đã được nhìn thấy, bao gồm các bao thể dạng cong dài có đuôi và các tinh thể hình lục giác hoàn chỉnh (hình 6, bên trái và giữa). Viên đá nặng 2,65 ct chứa một bong bóng khí di động chứa đầy CO2 (được xác định bằng phân tích Raman). Cũng quan sát thấy các tinh thể âm tính, có hoặc không có CO2, và các bao thể lỏng liên quan đến cấu trúc tăng trưởng dạng khuấy vòng. Mẫu đá nặng 4,75 ct thì có chứa bao thể lỏng đẳng thước trong suốt quá trình chụp ảnh dưới kính do nhiệt từ đèn của kính hiển vi. Việc hơ nóng khiến bong bóng khí biến mất, và sau đó nó xuất hiện trở lại vài giây sau khi tắt đèn. Các dãy mây và bao thể hình kim cũng được tìm thấy trong nhiều mẫu (hình 6, bên phải). Một số chứa các mặt nứt được lấp đầy một phần đi kèm với các đám mây mỏng manh. Tất cả chín viên morganite đều hiển thị màu giao thoa bậc cao trong ánh sáng phân cực vuông góc.

Hình 5: Những bao thể này, được quan sát thấy trong viên morganite 2,65 ct, được xác định là mica (trái, phóng đại 90 lần) và plagioclase (phải, 110 lần). Ảnh chụp dưới kính của K. S. Moe.

Quang phổ Raman đã xác nhận các mẫu vật này là beryl và cũng phát hiện ra sự hiện diện của H2O ở 3600 và 3660 cm-1 (tương ứng kiểu I và II). Phổ giữa hồng ngoại IR ghi nhận dãy hấp thu tại 7060 cm-1 do các phân tử H2O kiểu II gây ra. Những phân tử này và các phân tử nước không liên kết khác cũng gây ra các dãy hấp thu liên quan sức căng ion OHtrong vùng 4500 – 3000 cm-1. Các dãy hấp thu trong phạm vi 5700 – 5000 cm-1 được tạo ra bởi các phân tử nước kiểu I và II, trong khi đó, một dãy nhỏ ở 2672 cm-1 có liên quan đến nước bị khử 2H (deuterium) và sự hấp thụ tương đối mạnh ở 2356 cm-1 là do CO2.

Manganese là chất tạo màu trong beryl hồng và phổ UV–Vis–NIR có độ phân giải cao cho thấy các dãy rộng liên quan đến Mn2+ với sự hấp thụ cực đại ở 490 và 540 nm (xem bài viết của D. L. Wood và K. Nassau, “Mô tả đặc điểm của beryl và emerald bằng phổ hấp thụ trong vùng nhìn thấy và hồng ngoại”, American Mineralogist, Vol. 53, 1968, trang 777 – 800). Một dãy hấp thu tại 370 nm gần ngưỡng phổ được gây ra bởi Fe3+, một đặc điểm phổ biến của beryl. Ngoài ra còn ghi nhận các dãy hấp thu ở 834, 920, 937, 956 và 978 nm. Quang phổ EDXRF ghi nhận được các nguyên tố chính như mong đợi có trong beryl là Al và Si, cùng với một lượng nhỏ các nguyên tố V, Cs, Fe, Zn, As và Rb và lượng rất nhỏ của Mn, Ga và Ti. (Để xem thêm hình ảnh dưới kính và quang phổ giữa hồng ngoại IR và phổ UV-Vis-NIR, hãy xem trong Kho lưu trữ dữ liệu của G&G tại gia.edu/gandg).

Hình 6: Nhiều bao thể lỏng đã được nhìn thấy trong các mẫu morganite. Các bao thể hai pha chứa bọt khí CO2 dưới hình dạng cong dài (trái, phóng đại 50 lần) và các hình lục giác (giữa, 85 lần). Còn thấy các dãy mây (phải, 25 lần). Ảnh chụp dưới kính của K. S. Moe.

Ông Rezayee ước tính rằng kể từ năm 2010, khoảng 200 – 300 kg morganite thô Ethiopia đã được chế tác thành những viên dạng cabochon và các tác phẩm chạm khắc. Ông cũng biết có khoảng 1.000 carat đã được mài giác với kích thước lớn nhất lên tới gần 150 ct. Các đá morganite được thông báo là được khai thác bởi các thợ mỏ thủ công từ cùng khu vực khai thác emerald, tourmaline và aquamarine ở phía Nam Ethiopia.

(Theo Kyaw Soe Moe, phần Gem News International, quyển G&G Summer 2012)

 

Ngọc Trai Nuôi Cấy Nước Ngọt Với Nhân Hạt Khoan Lõi Có Màu Tự Nhiên, Kích Thước Lớn

Hình 7: Những viên ngọc trai nuôi nước ngọt màu xám tím không khoan lõi này có nhân hạt khoan lõi. Viên lớn nhất là 15,4 mm. Ảnh của S. Karampelas.

Kể từ giữa năm 2011, Phòng giám định Đá quý Gübelin đã nhận được một số dây chuỗi cổ chất lượng cao và các viên ngọc trai nuôi cấy nước ngọt (freshwater cultured pearls – FWCPs)  không khoan lõi để phân cấp, chúng có dạng gần tròn đến tròn và đường kính trung bình từ 12 – 18 mm. Chúng giống với ngọc trai nuôi cấy nước ngọt của “Ming” và “Edison” được mô tả trong các báo cáo gần đây (xem bài viết của H. A. Hänni, “Ngọc trai “Ming”: Một loại ngọc trai nuôi cấy mới từ Trung Quốc”, Journal of the Gemmological Association of Hong Kong, Vol. 32, 2011, trang 23 – 25; Spring 2012 GNI, trang 54 – 55).

Màu tổng thể của các mẫu có phạm vi từ màu tím phớt xám đến xám tím (hình 7); một số cho thấy thêm sắc màu lục và hồng mạnh. Tất cả đều có óng ánh xà cừ, chúng không hề có tì vết hoặc có chút tì vết. Một số viên có hiệu ứng “đập dẹp”, trong khi những viên khác thì thấy có các đường đánh bóng khi xem dưới kính hiển vi.  Tất cả các viên ngọc trai nuôi nước ngọt đều trơ dưới bức xạ cực tím UV cũng như dưới các tia X-quang.

Hình 8: Hình ảnh chụp X-quang một trong những viên ngọc trai nuôi trong hình 15 cho thấy một nhân hạt khoan lõi có đường kính 11 mm và độ dày xà cừ là 2,2 mm. Hình ảnh của S. Karampelas.

Phân tích phổ EDXRF ghi nhận nồng độ MnO trên 300 ppmw trong hầu hết các ngọc trai nuôi cấy nước ngọt (nhưng cũng có một số mẫu thấp tới ~ 100 ppm) và nồng độ SrO tương đối thấp (<0,1wt.%). Tỉ lệ SrO/MnO <12 xác định chúng là sản phẩm nước ngọt. Không giống như phần lớn các ngọt trai nuôi cấy nước ngọt, được nuôi cấy không có nhân hạt, hình ảnh chụp X-quang cho thấy các nhân hạt là các hạt được khoan lõi (hình 8). Hạt khoan lõi cũng đã được sử dụng trong việc trồng một số ngọc trai nuôi nước ngọt của Nhật Bản (ngọc trai nuôi cấy Kasumiga). Độ dày xà cừ thay đổi từ 1,0 đến 2,5 mm hoặc dày hơn.

Phổ phản xạ khuếch tán UV-Vis-NIR cho thấy các dãy tương tự như các dãy được quan sát thấy trong một số ngọt trai nuôi nước ngọt từ loài Hyriopsis sp. (S. Karampelas và cộng sự, “Vai trò của polyene trong việc tạo màu cho ngọc trai nuôi nước ngọt”, European Journal of Mineralogy, Vol. 21, No. 1, 2009, trang 85 – 97, http://dx.doi.org/10.1127/0935-1221/2009/0021-1897). Phổ Raman (hình 9) và phổ phát quang bức xạ điện từ cho thấy các dãy hấp thu do sắc tố aragonite và polyenic được gọi là parrodiene. Quang phổ Raman cũng phát hiện vaterite, một dạng đa hình CaCO3 được báo cáo trước đây trong một số ngọc trai nuôi nước ngọt có độ bóng thấp (A. Soldati và cộng sự, “Đặc điểm cấu trúc và thành phần hóa học của aragonite và vaterite trong ngọc trai nuôi cấy nước ngọt”, Mineralogical Magazine, Vol. 72, No. 2, 2008, trang 579 – 592, http://dx.doi.org/10.1180/minmag.2008.072.2.579, trong đó có cả tài liệu tham khảo). Tuy nhiên, trong các mẫu này, độ bóng là rất tốt.

Hình 9: Phổ Raman của hai viên FWCP mức từ 1600 đến 600 cm-1 (sử dụng kích hoạt laser 514 nm) cho thấy các dãy hấp thu do các polyene đơn ở ~ 1510 và 1125 cm-1. Các dãy aragonite hiện diện ở ~ 1085 cm-1 và ở 706/702 cm-1 (hiển thị dưới dạng một dãy đơn ở khoảng 704 cm-1 do độ phân giải). Một số đặc trưng hấp thu nhỏ có ở ~ 1295, 1175 và 1010 cm-1 và một dãy nhỏ bổ sung (có thể là do vaterite) được quan sát thấy trong phổ dưới cùng ở ~ 1074 cm-1. Quang phổ được kéo giãn theo chiều dọc cho rõ, dễ nhìn thấy.

Một số thương nhân Trung Quốc đã chỉ ra rằng những viên ngọc trai như thế này được nuôi cấy từ một loài nhuyễn thể lai ở Trung Quốc có lẽ tương tự như được sử dụng cho ngọc trai nuôi nước ngọt Kasumiga, và việc nuôi cấy chúng kéo dài hơn một năm và đôi khi lên đến ba. Họ còn cho biết thêm rằng các ngọc trai nuôi nước ngọt kích cỡ lớn, chất lượng cao mới xuất hiện gần đây của Trung Quốc có thể có giá hơn 1.000 USD cho mỗi viên, tuy nhiên nguồn cung cấp loại ngọc trai này thì vẫn còn rất hạn chế.

(Theo Stefanos Karampelas (s.karampelas@gubelingemlab.ch),  Gübelin Gem Lab, Lucerne, Switzerland – Thụy Sĩ)

 

Đổ Xô Đi Tìm Ruby Và Sapphire Gần Didy, Madagascar

Vào tháng 4 năm 2012, một “cơn sốt” đá quý đã xảy ra ở phía Đông Bắc Madagascar ở tọa độ 18°20'16"S, 48°33'53"E, nằm cách làng Didy ~ 25 km về phía Nam, nằm cách Ambatondrazaka 50 km về phía Nam. Các tác giả đã nghiên cứu tỉ mỉ về phát hiện mới này từ ngày 18 – 27 tháng 4.

Hình 10: Các thợ mỏ ở Malagasy đào những cái hố nông trong lòng suối được bao quanh bởi khu rừng rậm rạp để tìm kiếm sapphire and ruby. Ảnh của N. Rakotosaona.

Cuộc đổ xô đi tìm đá quý bắt đầu sau khi một số lô sapphire màu xanh rực rỡ được bán vào thị trường địa phương vào đầu tháng 4 ở Moramanga, Ambatondrazaka, và sau đó là bán tại thành phố thủ đô Antananarivo bởi những người khai thác vàng và những người làm việc cho một công ty khai thác gỗ địa phương trong khu vực. Mỏ này nằm trong vành đai Ankeniheny – Zahamena, một khu vực được bảo vệ tạm thời, nơi không được phép khai thác. Tuy nhiên, hàng ngàn người khai thác mỏ Malagasy và hàng trăm thương nhân đã đổ xô đến khu vực này và chính phủ không thể kiểm soát việc khai thác bất hợp pháp trong khu vực rừng rậm này.

Việc lái xe từ Ambatondrazaka đến Didy thì khá khó khắn bởi nhiều đoạn bị chìm sâu trong bùn đất. Ngay sau khi đến Didy, nhóm nghiên cứu đã được lực lượng an ninh địa phương thông báo rằng tất cả người nước ngoài phải quay trở lại Ambatondrazaka trong một nỗ lực ngăn chặng tình trạng “tạo điều kiện thúc đẩy người dân địa phương làm việc trên khu vực khai thác bất hợp pháp”. Một người trong đoàn (NR) tiếp tục đến khu vực khai thác. Từ Didy, cuộc hành trình bắt đầu với một chuyến đi thuyền kéo dài ba giờ lên một con suối, sau đó là 10 – 15 giờ đi bộ qua địa hình rừng rậm rạp và nguy hiểm.

Khu vực khai thác được ước tính có khoảng 5.000 – 10.000 người. Các thợ mỏ đã đào xới tìm các cuội sỏi đá quý bằng các dụng cụ cầm tay trong các hố nông (hình 10). Các cuội sỏi này nằm dọc theo một con suối ở độ sâu <1 m. Đá quý cũng được tìm thấy trên sườn đồi nằm liền kề bên suối. Hầu hết các sản phẩm khai thác được là sapphire xanh (hình 11), không có bất kỳ viên đá nào ở dạng sữa hoặc kiểu geuda thường được tìm thấy tại các mỏ khác ở Malagasy. Các mỏ mới này cũng đã cung cấp loại sapphire màu hồng phớt cam và ruby đỏ phớt cam, thường chứa một số đốm, vùng màu xanh tương tự như corundum từ Winza, Tanzania.

Hình 11: Những viên sapphire và ruby (lên tới 2,4 g) được nhìn thấy ở làng Didy. Ảnh của V. Pardieu.

Hơn 400 nhà buôn người nước ngoài (chủ yếu từ Sri Lanka) đã mở văn phòng mua hàng ở Ambatondrazaka. Cả ở thị trấn đó và ở Didy, nhóm nghiên cứu đã thấy một số viên sapphire hầu như không thấy tạp chất “sạch”, màu xanh hấp dẫn nặng tới 4 g, và còn nghe thông tin về những viên đá đẹp nặng gần 30 g. Họ cũng nhìn thấy một số viên ruby đỏ phớt cam “sạch” nặng đến 3 g và được biết thêm về những viên ruby đẹp có trọng lượng 5 g. Các thương nhân đá quý địa phương và ngoài nước đã rất phấn khích trước viễn cảnh có được loại khoáng vật mới hấp dẫn này và giá cả leo thang nhanh chóng do sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người mua. Một số mẫu hiện đang được GIA nghiên cứu và đặc điểm ngọc học của chúng sẽ được công bố trong tương lai gần.

(Theo Vincent Pardieu (vpardieu@gia.edu) GIA, Bangkok; Nirina Rakotosaona Société Miniére du Cap Ltd., Antananarivo, Madagascar; Marc Noverraz Colorline Ilakaka Ltd., Ilakaka, Madagascar; Lou Pierre Bryl, Senoble & Bryl Ltd., Gaspe, Canada)